(Chuyên mục giáo dục)Cuộc đoàn tụ xúc động giữa tiết học Văn ở Sài Gòn

No Comments

Tiết tổng kết dự án "Chuyện đời quanh em" của học sinh lớp 9/3 trường THCS Văn Lang (quận 1, TP HCM) hôm 22/3 trở thành buổi tọa đàm với nhân vật chính là cô giáo khuyết tật Nguyễn Thị Hường (34 tuổi, dạy Toán).

Khi một học sinh (đóng vai người dẫn chương trình) hỏi nhân vật có ước mơ gì, cô Hường nhỏ giọng: "Tôi mong cha mẹ ở quê khỏe mạnh, bản thân có được công việc ổn định để đón hai con nhỏ vào sống cùng".

Ngay lúc đó mẹ cô Hường dẫn hai bé gái bước ra sân khấu trong sự ngỡ ngàng của cô và khách mời. Bốn người ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở. "Trong giấc mơ lúc nào tôi cũng nhớ về hai con thơ dại. Thật bất ngờ được ôm các con vào lòng lúc này, không gì sung sướng hơn", bà mẹ trẻ nghẹn ngào.

Chứng kiến giây phút ấy, hàng chục khách mời, trong đó có nhiều giáo viên rơi nước mắt. Nhiều học sinh cũng bật khóc.  Vũ Thị Phượng Chi, Hiệu trưởng THCS Văn Lang khẳng định sẵn sàng tiếp nhận, sắp xếp cho cô Hường vào dạy ở trường để ổn định công việc. 

cuoc-doan-tu-xuc-dong-giua-tiet-hoc-van-o-sai-gon

Gia đình cô Hường đoàn tụ tại chương trình của lớp 9/3. Ảnh: H.N

Dự án dạy học liên môn "Chuyện đời quanh em" do thầy giáo dạy Văn Hoàng Long Trọng làm chủ nhiệm. Để có được buổi tổng kết xúc động, hơn chục học sinh lớp 9/3 đã chuẩn bị từ hai tháng trước. Nhân vật cô giáo Hường do thầy Trọng biết trước và giới thiệu để học trò chọn làm nhân vật chính.

Học sinh sau đó bắt xe buýt xuống gặp cô Hường và thuyết phục cô tham dự. Ban đầu, cô Hường e ngại, song dần dần sự chân thành và hồn nhiên của các em làm cô rung động và nhận lời.

Quê Nghệ An, lúc 9 tháng tuổi, cánh tay phải của cô Hường bị liệt sau một cơn sốt. Nỗ lực học tập, theo đuổi giấc mơ nghề giáo và tốt nghiệp ngành sư phạm Đại học Vinh, nhưng con đường xin việc của cô giáo trẻ đầy khó khăn. Nhiều trường lắc đầu khi thấy cánh tay cô bị liệt.

Sau đó, cô Hường xin dạy học ở một ngôi trường tại Quảng Ninh, yêu thầy giáo cùng trường. Ngay buổi ra mắt, gia đình thầy giáo phản đối kịch liệt. "Mẹ thầy khóc, nói anh là con trai một nên không thể lấy người khuyết tật. Hiểu lòng bà, tôi nói lời chia tay, thầy không đồng ý. Lần thứ hai gặp mặt, mẹ thầy đuổi thẳng tôi", cô Hường kể. 

Rơi vào bế tắc, năm 2012, hai người quyết định có con, nuôi hy vọng gia đình sẽ chấp nhận khi "chuyện đã rồi".

cuoc-doan-tu-xuc-dong-giua-tiet-hoc-van-o-sai-gon-1

Cô Hường bật khóc khi kể về những truân chuyên của đời mình. Ảnh: H.N

Khoảng 10 ngày trước khi cô Hường sinh, thầy về quê thăm mẹ ốm nặng rồi bặt tin. Người đàn ông sau đó nhắn tin xin lỗi vì không thể trái lời mẹ, nếu không bà sẽ chết. Vài tháng sau người đó lấy vợ. 

Vì điều kiện khó khăn, cô Hường đành để 2 con gái sinh đôi chỉ 6 tháng tuổi cho cha mẹ chăm sóc để vào Sài Gòn làm gia sư kiếm sống. Suốt 4 năm qua, mẹ con cô chỉ được gặp nhau vài lần. 

Để có được buổi gặp mặt bất ngờ hôm 22/3, thầy Hoàng Long Trọng đã liên lạc và ngỏ ý tới một hãng hàng không xin tài trợ vé khứ hồi cho 3 bà cháu từ quê Nghệ An vào Sài Gòn. Thầy trò ra đón họ ở sân bay, đưa về nghỉ ngơi trước ngày làm tọa đàm và dặn "giữ bí mật đến phút chót".

"Tôi muốn thông qua dự án này, các em không chỉ học đơn thuần mà hơn hết là được trải nghiệm cuộc sống, chia sẻ với người khó khăn", thầy Trọng nói. 

cuoc-doan-tu-xuc-dong-giua-tiet-hoc-van-o-sai-gon-2

Anh Trọng và nhóm thực hiện dự án. Ảnh: Mạnh Tùng

Quỳnh Giao (nữ sinh lớp 9/3) chia sẻ: "Chưa bao giờ em vui như vậy. Chứng kiến cảnh cô Hường và hai em nhỏ gặp nhau, nhóm em không ai kìm được nước mắt và cảm thấy thành quả mình có được thật xứng đáng".

Nữ sinh cho rằng, niềm hạnh phúc của gia đình cô Hường chính là điểm số lớn nhất mà họ giành được sau dự án môn học này.

Mạnh Tùng

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét