(Chuyên mục giáo dục)'Siêu thị' miễn phí cho sinh viên nghèo ở Sài Gòn

No Comments

Sau giờ học trưa, Phạm Văn Đăng (sinh viên năm nhất Khoa Cơ khí, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) đến góc sẻ chia lấy hộp mì được xếp ngay ngắn trên kệ, sang bên cạnh chế nước sôi pha chế. Gần một tháng sau ngày mở cửa, nơi này đã giúp cậu bữa ăn trưa khi chưa nhận được tiền cha mẹ ở quê gửi lên.

Góc chia sẻ được đặt ở tầng hầm do trung tâm dịch vụ sinh viên của trường quản lý. Rộng hơn 70 m2, khu vực này được chia làm nhiều gian chứa sách vở, đồ ăn, quần áo và các thiết bị lò vi sóng, tủ lạnh, máy nước nóng...

Mẹ làm ruộng ở Phú Yên, ba phụ hồ tận Bình Dương nên gia đình Đăng phải chi tiêu tằn tiện mới để dành được 2 triệu đồng mỗi tháng gửi cho cậu ăn học. "Hè này tôi sẽ ở lại kiếm việc gì đó làm đỡ đần ba mẹ, giờ ráng tiết kiệm được chút nào hay chút đó", nam sinh nói.

Mấy ngày đầu Đăng còn bẽn lẽn khi sử dụng đồ ăn miễn phí nhưng hiện cậu quen mặt từng người, gặp ai cũng bắt chuyện hỏi han. "Các anh chị quản lý nhiệt tình, quan tâm mình như người thân nên tôi không còn cảm giác ngại ngùng", Đăng cho hay.

sieu-thi-mien-phi-cho-sinh-vien-ngheo-o-sai-gon

"Siêu thị" miễn phí của sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM với đầy đủ đồ dùng học tập, quần áo, thực phẩm. Ảnh: Thảo Ly.

Những món hàng miễn phí tại đây được mạnh thường quân, giảng viên và sinh viên trong trường đóng góp. Góc chia sẻ không chỉ giúp nhiều sinh viên khi đến ngày "viêm màng túi" mà còn giúp Huệ Nhẫn (nữ sinh khoa Ngoại ngữ) chiếc xe đạp đến trường.

Hiện, nữ sinh dáng người gầy gò ở với mẹ và người em trong căn phòng trọ vỏn vẹn 10 m2 gần làng Đại học. Mẹ bị bại liệt, không làm gì được từ nhiều năm nay, Nhẫn vừa học vừa làm thêm trang trải cuộc sống. "Bữa cơm của gia đình có khi toàn rau, con cá miếng thịt còn khó nên tôi không dám mơ đến chiếc xe", Nhẫn kể.

Đến với góc chia sẻ, nhiều sinh viên nghèo của Đại học Sư phạm Kỹ thuật còn tìm được những bộ quần áo khá mới do bạn bè tặng. Ai dư giả có thể mang đến xếp ngay ngắn trên tủ để bạn mình có thể lấy dùng. Người cho và người nhận thường không biết mặt nhau.

"Mua quần áo ngoài chợ, bét cũng mất 70-80 nghìn đồng một chiếc áo coi được nên tôi chả dám mua. Nay được các bạn giúp quần áo mới, thấy vui lạ", một nam sinh nói sau khi đã chọn chiếc áo sơ mi tươm tất, vừa vặn.

Hữu Trí (Khoa Cơ khí) - sinh viên tình nguyện trực tại đây cho biết, mấy ngày đầu khá vắng vì nhiều bạn còn ngại nhưng sau đó nhộn nhịp hơn. Cán bộ, giảng viên trong trường cũng hay lui tới cùng ăn trưa với mọi người.

"Bây giờ nhiều bạn còn đến đây làm quen, giao lưu. Góc chia sẻ ở trường tôi như căn nhà nhỏ, ấm cúng", nam sinh nói, giọng tự hào.

sieu-thi-mien-phi-cho-sinh-vien-ngheo-o-sai-gon-1

Quần áo được xếp gọn gàng trên tủ ở góc chia sẻ cho mọi người đến chọn. Ảnh: Thảo Ly.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cho biết, khá đông sinh viên của trường xuất thân từ nông thôn nghèo khó. Để trụ được ở Sài Gòn, hầu hết các em phải đi làm thêm, bưng bê phụ bàn tại các hàng quán.

"Chi tiêu tiết kiệm đến mấy thì mỗi tháng tiền học và phí sinh hoạt của mỗi em cũng trên 2 triệu đồng. Cha mẹ ở quê phải gồng mình hết sức mới gánh nổi một đứa con lên thành phố học. Chúng tôi muốn có nơi để mọi người trong trường, từ cán bộ giảng viên đến sinh viên có thể quan tâm, chia sẻ với nhau", ông Dũng nói về ý tưởng cho ra đời góc chia sẻ. 

Góc còn được mở rộng ra với dịch vụ rửa xe máy, thay nhớt ngay trong trường để giúp sinh viên nghèo có việc làm. Điều này vừa hạn chế rủi ro cho sinh viên khi đi ra ngoài, vừa tạo môi trường gắn kết giữa giảng viên và sinh viên.

"Sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm khu chợ đêm, trường bỏ vốn, sinh viên đăng ký tham gia hoạt động mua bán trong khuôn viên. Chúng tôi hy vọng tạo được môi trường cho các em áp dụng kiến thức vào thực tế", ông Dũng chia sẻ.

Thảo Ly

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét