(Chuyên mục giáo dục)Đóng vai nghị sĩ, sinh viên đề xuất đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

No Comments

Ngày 23/4, dự án giáo dục Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ (VNYP) tổ chức phiên họp toàn thể ở Đại học Luật Hà Nội. 100 sinh viên nhiều đại học ở Hà Nội được chia thành 8 ủy ban, cùng nhau chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, y tế, luật pháp, môi trường, kinh tế và đối ngoại.

Ở lĩnh vực giáo dục, nhóm nghị sĩ trẻ đã đưa ra nhiều ý kiến góp phần đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

"Nghị sĩ" Trần Khánh Vinh, đại diện Ủy ban Giáo dục chỉ ra những khuyết điểm của chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện nay. Với chương trình hiện hành, phần lớn học sinh Việt Nam vẫn thiếu tự tin, thiếu năng lực tự học và tính sáng tạo trong khi diễn đàn nghiên cứu thế giới năm 2014 đưa ra 4 mảng năng lực mà học sinh cần có ở thế kỷ 21 là tư duy phản biện, sự sáng tạo, năng lực giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm.

Đại diện Ủy ban Giáo dục nhận định chương trình hiện nay chưa chú trọng đến yếu tố thực hành. "Trên lý thuyết, 20% chương trình giáo dục phổ thông là dành cho thực hành nhưng thực tế, 20% đó được đảm bảo không hay đã bị cắt xén?", Vinh đặt câu hỏi và lấy ví dụ về trường hợp nữ sinh bị bỏng nặng ở trường Phan Đình Phùng. Nghị sĩ này cho rằng nếu học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức sơ cứu thì sự việc không đến nỗi nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất không thể đáp ứng nhu cầu của từng vùng miền. "Dựa vào kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có thể thấy học sinh miền núi và thành phố khác hẳn nhau. Vì vậy, cần có nhiều bộ sách giáo khoa để từng vùng miền lựa chọn cho phù hợp", Vinh phân tích.

dong-vai-nghi-si-sinh-vien-de-xuat-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong

Nghị sĩ trẻ trình bày ý kiến của Ủy ban Giáo dục về nội dung đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Ảnh: Thanh Tâm

Từ những khuyết điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Ủy ban Giáo dục đã xây dựng mục tiêu của từng cấp học. Theo đó, chương trình giai đoạn tiểu học sẽ tập trung giáo dục nhân cách và thể chất, giai đoạn THCS sẽ chú trọng xây dựng tri thức và rèn luyện phương pháp học tập, giai đoạn THPT tập trung hoàn thiện nhận thức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đinh Thùy Anh, "nghị sĩ" của Ủy ban Giáo dục, cho rằng nội dung cơ bản của chương trình và sách giáo khoa mới phải xoay quanh mục tiêu giúp học sinh biết cách giải quyết các vấn đề xã hội bên cạnh cung cấp kiến thức học thuật. "Việc đưa ra một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa sẽ được thực hiện bằng việc khuyến khích nhiều đơn vị tham gia biên soạn sách dựa trên khung chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục ban hành", Thùy Anh nói thêm.

Các "nghị sĩ" của Ủy ban Giáo dục khẳng định chương trình mới phải được cập nhật kiến thức phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. "Theo báo cáo tin cậy của diễn đàn nghiên cứu thế giới, 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ phải đối mặt với những ngành nghề mới do sự phát triển của công nghệ nên cập nhật kiến thức là việc làm quan trọng", đại diện Ủy ban trình bày.

Đại diện Ủy ban Văn hóa đặt câu hỏi: "Một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa liệu có gây khó khăn trong kiểm tra và đánh giá không?". Ủy ban Giáo dục khẳng định là không vì cho rằng chương trình được thống nhất trên toàn quốc và sách giáo khoa chỉ là hình thức thể hiện chương trình ấy. Ngoài ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thống nhất cách thức đánh giá dựa trên những mục tiêu về năng lực nên dù dùng sách nào thì cách đánh giá cũng được thống nhất.

Ủy ban Y tế yêu cầu Ủy ban Giáo dục làm rõ phương hướng đổi mới. "Cơ sở khoa học nào khiến các bạn đưa ra mục tiêu ở các cấp học như vậy?", một người đặt câu hỏi.

Đại diện Ủy ban Giáo dục giải thích đã kế thừa những nghiên cứu và phân chia các cấp từ những lần cải cách và đổi mới trước. "Theo tâm lý học phát triển thì 7-12 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách và chuẩn bị tiền ý thức cho học sinh nên mục tiêu của giai đoạn tiểu học chúng tôi đề ra là có cơ sở", một bạn nói và cho biết thêm mục tiêu của giai đoạn THCS và THPT là hiển nhiên theo yêu cầu và nhu cầu của học sinh và xã hội.

Trước băn khoăn của Ủy ban Pháp luật về chủ trương xã hội hóa và việc đẩy mạnh tính thương mại hóa trong việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đại diện Ủy ban Giáo dục cho rằng việc sách giáo khoa không còn là độc quyền của nhà xuất bản thuộc nhà nước sẽ giúp các đơn vị có nhu cầu được thể hiện năng lực. Bên cạnh đó, nhiều nhà xuất bản cùng tham gia biên soạn sẽ tăng tính cạnh tranh, từ đó tăng chất lượng sách và mang lại doanh thu cho nhiều đơn vị.

Kết thúc phần giải đáp thắc mắc từ các ủy ban trong nghị viện, chính sách và đề xuất của Ủy ban Giáo dục nhận được 6/7 phiếu thuận và được nghị viện chính thức thông qua.

Mặc dù mọi kết quả và chính sách chỉ diễn ra theo trong một diễn đàn mô phỏng nhưng phần nào đã cho thấy ý thức tham gia vào các vấn đề đất nước của thế hệ trẻ. GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá các bạn trẻ tham gia diễn đàn rất xuất sắc. "Chỉ là một diễn đàn mô phỏng nhưng các bạn rất nhiệt tình. Đặt mình như những đại biểu Quốc hội, các bạn đã thực sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển đất nước, đóng góp nhiều ý kiến hay và biết lắng nghe", ông Dũng nói.

Giáo sư Dũng tỏ ra tiếc nuối khi không có đại diện của các ủy ban Quốc hội tham dự diễn đàn hôm nay. "Tôi nghĩ rằng các ủy ban Quốc hội cần quan tâm, ủng hộ những diễn đàn mô phỏng của các bạn trẻ vì họ có nhiều ý kiến thông minh và góc nhìn rất khác. Hơn thế nữa, các bạn trẻ này rất có thể là những nhân tố tích cực trong Quốc hội thời gian tới", ông Dũng nhận định.

Phạm Trần Hoàng Phương, sinh viên năm hai Học viện Ngoại giao, nghị sĩ của Ủy ban Giáo dục, cho biết cả nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều để có thể đưa ra đề xuất về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

"Chúng em bắt đầu tìm hiểu về vấn đề này trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn, phân tích những lần cải cách trong lịch sử, chúng em đã chỉ ra những ưu, nhược điểm của chương trình giáo dục phổ thông để từ đó hoàn thành đề xuất", Phương nói và cho biết những phân tích, đề xuất của nhóm có nhiều tương đồng với dự thảo do Bộ Giáo dục công bố.

Phương thông tin thêm, trước đó các ủy ban đã được tham gia nhiều buổi học tập chuyên đề, làm việc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực và được họ giúp đỡ rất nhiều về mặt chuyên môn

Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ là dự án giáo dục do nhóm VNYP và Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của thế hệ trẻ trong quy trình hoạch định chính sách của Việt Nam. Năm 2016, Dự án chiến thắng cuộc thi Quỹ tài trợ quy mô nhỏ dành cho Cựu sinh viên trao đổi của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Thanh Tâm

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét