(Chuyên mục giáo dục)Phụ huynh đua 'chạy' giải thưởng để con được vào trường top

No Comments

Chị Ánh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) thở phào khi cầm chứng chỉ tiếng Anh TOEFL Primary với phần nghe, đọc đạt điểm tối đa (5/5) của con. Với thành tích này, bé Nam sẽ được tuyển thẳng vào lớp 6 năm 2017-2018 của THCS Nguyễn Tất Thành và có cơ hội cao để vào các trường top đầu thành phố khác. 

Theo thông báo, mùa tuyển sinh năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục không thi tuyển vào lớp 6 mà xét tuyển. Một số trường có lượng học sinh đăng ký cao gấp 4-5 lần chỉ tiêu như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, lại đưa tiêu chí phụ để lọc học sinh bên cạnh kết quả kiểm tra Toán, tiếng Việt 5 năm tiểu học. 

Hầu hết học sinh vào trường top đầu đều có kết quả học tập giỏi nên việc cạnh tranh chủ yếu ở tiêu chí phụ. Đó là giải thưởng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet, Olympic tiếng Anh, Tin học trẻ, chứng chỉ TOEFL Primary, huy chương thi đấu thể thao...

Gia đình chị Nguyệt căng thẳng chuyện giải thưởng từ đầu học kỳ I năm lớp 5. Thời điểm đó, nhiều học sinh trong lớp của Nam đã có giải thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, một số bạn đạt huy chương ở giải bơi lội, cờ vua… Qua tìm hiểu rất nhiều nguồn, chị Nguyệt cấp tốc cho con luyện tiếng Anh trên mạng và thi lấy chứng chỉ TOEFL Primary. 

phu-huynh-dua-chay-giai-thuong-de-con-duoc-vao-truong-top

Để con được ưu tiên trong xét tuyển vào lớp 6 hoặc cộng điểm khi thi vào lớp 10, một số phụ huynh đã "chạy" giải cho con. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

"Việc xét tuyển vào lớp 6 với những tiêu chí phụ gây ra nhiều bất cập. Tôi thấy có những phụ huynh chỉ lo đưa trẻ đi thi hết giải này đến cuộc thi trên mạng khác để được cộng điểm. Trong khi đó, tôi trực tiếp chứng kiến khi đưa con được trường cử đi thi giải bơi của thành phố Hà Nội, giám khảo chấm điểm và trao giải này đã không trung thực", chị Nguyệt nói và cho rằng cần tìm giải pháp khác để minh bạch hóa việc tuyển sinh đầu cấp.

Một chuyên viên tư vấn của trung tâm tiếng Anh có tiếng ở thủ đô cho biết, 2 năm nay, nhiều phụ huynh có con học lớp 4-5 đã tìm đến những khóa học của trung tâm hoặc thi TOEFL Primary, TOEFL Junior… để được ưu tiên trong xét tuyển vào lớp 6. Một số trường như Nguyễn Siêu, Marie Curie cũng tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ kết thúc các khoá học tiếng Anh tại trung tâm này.

Cuộc đua vào lớp 10 năm học 2017-2018 với 70% học sinh có cơ hội học tại trường THPT công lập Hà Nội cũng khiến phụ huynh "căng thẳng hơn có con thi đại học". Theo quy định, học sinh sẽ được cộng điểm khuyến khích nếu đạt từ giải ba thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng, thi vẽ, thi viết thư quốc tế, thi giải Toán, tiếng Anh trên mạng... Vì thế, nhiều cha mẹ giục con tham gia nhiều kỳ thi với mục tiêu được cộng điểm.

"Đầu năm lớp 9, giáo viên đã thông báo về các cơ hội được cộng điểm, ưu tiên khi thi lớp 10 và khuyến khích phụ huynh cho con tham gia", một bà mẹ có con học lớp 9 (Hà Nội) nói. Chị cũng cho con thi khá nhiều giải như học sinh giỏi thành phố, Olympic tiếng Anh..., mục tiêu chính là để con cọ sát thi cử và học tập tốt hơn. Tuy nhiên, chị không phủ nhận một lý do quan trọng khác là tăng cơ hội ưu tiên khi tuyển sinh vào lớp 10.

"Quá nửa học sinh trong lớp con tôi thuộc diện được cộng điểm. Có em đạt giải thể thao, cháu thi liên môn, cháu có giải thi trên Internet... Nếu các cháu đạt giải thực sự thì xứng đáng nhưng con tôi cho biết, có học sinh chẳng biết chơi cầu lông cũng được giải nhất môn này...", phụ huynh tên An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ trong thư gửi tới VnExpress. 

Con trai của phụ huynh này, từ năm học lớp 8 đã "xúi bố tìm người quen mua giải cho con để được cộng thêm điểm khi thi vào lớp 10" bởi thấy bạn bè cũng làm như vậy. Qua tìm hiểu, anh An biết, để chạy mỗi giải này, phụ huynh phải mất 10-15 triệu đồng.

"Thật đáng xấu hổ khi các cháu mới 14-15 tuổi đã phải chứng kiến tiêu cực trong giáo dục và sự không công bằng trong thi cử. Điều này ảnh hưởng lớn đến tương lai học sinh, nhất là khi trẻ đang tuổi hình thành nhân cách", phụ huynh bức xúc viết. Anh đề nghị bỏ quy định cộng điểm trong mùa tuyển sinh năm học 2017-2018 hoặc hậu kiểm toàn bộ giải thưởng sau kỳ thi để loại bỏ tiêu cực, trả lại sự công bằng cho học sinh.

Từ ngày 9/6, học sinh Hà Nội sẽ tham gia kỳ thi chung vào lớp 10 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức với 2 môn Toán và Ngữ văn. Học sinh thi vào lớp chuyên sẽ thi thêm các môn chuyên vào ngày 10-11/6. Năm học 2016-2017 sẽ có gần 83.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ khoảng 70% có cơ hội học tại trường THPT công lập thủ đô. Khoảng 30% (tương ứng 26.000 học sinh) sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Quỳnh Trang

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét