Ngày 2/5, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã giải trình ý kiến liên quan đến dự thảo chương trình.
Theo lộ trình, năm học 2018-2019 chương trình mới sẽ triển khai đại trà ở lớp 1 và thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6, lớp 10. Năm học tiếp theo, lớp 2 và 6 sẽ được học đại trà chương trình mới, dạy thực nghiệm ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Năm thứ ba, chương trình triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10... Đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả lớp.
Theo ban phát triển, lộ trình này sẽ giúp các địa phương có đủ thời gian chuẩn bị giáo viên, thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Trước nhiều ý kiến cho rằng chương trình mới vẫn nặng về số môn, số tiết học, tổng chủ biên khẳng định, chương trình mới đã giảm tải số môn học và thời lượng học tập so với hiện nay và so với một số nước.
GS Thuyết giải thích, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, theo chương trình mới, lớp 10 có 13 môn học và 2 hoạt động giáo dục; lớp 11-12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập.
Như vậy, thực chất chỉ có 6 môn lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn. Trong khi đó chương trình hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục ở tất cả các lớp.
Bảng so sánh số môn học giữa chương trình mới với chương trình hiện hành của Việt Nam và thế giới. |
Nếu so sánh với nước ngoài, chương trình tú tài quốc tế (IB), chương trình của Vương quốc Anh có 6 môn học bắt buộc; của Australia, Đức, Pháp có 5-6 môn bắt buộc; của Mỹ có 4 môn bắt buộc toàn quốc và một số môn bắt buộc tùy theo từng bang; Malaysia bắt buộc học 10 môn; Trung Quốc có 12 môn bắt buộc hoặc tự chọn có giới hạn.
Về thời lượng học tập, theo số liệu của OECD (The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009), trong độ tuổi 7-15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi học sinh các nước này học 7.390 giờ (60 phút/giờ). Theo chương trình mới của Việt Nam, ở độ tuổi đó, học sinh học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho cấp tiểu học và thời gian học các môn tự chọn.
"Tiếp thu ý kiến phê bình của dư luận, Ban phát triển dự kiến báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1-2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều này nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương mới. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần", GS Thuyết nói.
Quỳnh Trang
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét