Thầy giáo Mạnh Kỳ chia sẻ trăn trở khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thí điểm xóa bỏ biên chế trong ngành giáo dục.
Thời gian qua, phương tiện thông tin đại chúng ngập tràn câu chuyện xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới việc thử nghiệm bỏ biên chế trong tuyển dụng giáo viên, thay vào đó là hình thức hợp đồng có vào có ra. Là giáo viên, tôi xin được đưa ra những quan điểm của mình về vấn đề này.
Dẫu biết rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu như nghị quyết Trung ương Đảng kết luận từ nhiều năm qua, nhưng xuyên suốt thời gian dài giáo dục vẫn còn có quá nhiều bất cập, nhiều đổi mới mà chưa hiệu quả. Phải chăng chúng ta đang quá hình thức? Và phải chăng mỗi lãnh đạo điều hành đều phải cố gắng để lại một dấu ấn trong nhiệm kỳ?
Đề án bỏ biên chế Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mặc dù được nhiều người đồng tình, nhưng cũng gặp không ít ý kiến theo chiều ngược lại. Rõ ràng, bỏ biên chế để thực hiện chế độ hợp đồng sẽ có lợi. Khi một giáo viên không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ bị đào thải, bởi vậy trong công tác lúc đó mọi người đều phải hết lòng hết sức vì công việc.
Hiện tại nhiều giáo viên làm thêm bên ngoài thu nhập cao hơn nhiều so với việc đứng lớp, nên không toàn tâm toàn ý với công việc cũng là điều dễ hiểu. Và quan trọng hơn là việc nhiều giáo viên khi về nhà tranh thủ công việc bên ngoài nên không tập trung cho giáo án, cũng không tập trung cho bài giảng nên lên lớp như “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì họ biết rằng đã vào biên chế thì đuổi việc không dễ dàng gì. Nếu chế độ hợp đồng được thực hiện, chắc chắn vấn đề này sẽ không còn và việc lựa chọn người tài sẽ dễ dàng hơn, chất lượng giáo dục vì thế cũng được nâng cao.
Cái hay là vậy nhưng việc thực hiện chế độ hợp đồng cũng có không ít nỗi lo. Vì khi thực hiện chế độ hợp đồng chúng ta phải đánh giá đúng thực chất năng lực của giáo viên. Một giáo viên giỏi hay không thì không thể đánh giá qua vài ba tiết dạy. Quan trọng hơn, để đánh giá phải chờ đợi cả năm trời vì khi đang học không thể nào cứ được thời gian lại đổi người khác, như vậy học sinh sẽ mất tâm lý để học tập.
Rồi đến giáo viên cũng dao động bởi đã thực hiện chế độ hợp đồng thì bản thân có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Và giả sử giáo viên này thực hiện không tốt, rồi giáo viên khác vào cũng không tốt luôn thì sao? Không lẽ cứ phải tìm người thay liên tục?
Vấn đề nữa là khi thực hiện hợp đồng, tất cả việc tuyển dụng sẽ được giao trực tiếp cho hiệu trưởng quản lý, ai sẽ đảm bảo ở đó không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân? Rồi lúc nào đó, trong một trường sẽ xuất hiện nhiều người có quan hệ anh em, họ hàng thân thích với nhau? Lúc đó thật khó để đánh giá liệu ông này bà kia có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không? Đề án “có vào có ra” rồi sẽ thực hiện như thế nào? Cuối cùng người chịu thiệt vẫn là học sinh!
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân tôi, mong mọi người cho ý kiến đóng góp thêm.
Mạnh Kỳ
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét