(Chuyên mục giáo dục)Thầy Trần Phương: Đừng mặc định trẻ phải luôn đạt điểm 9-10

No Comments
thay-tran-phuong-dung-mac-dinh-tre-phai-luon-dat-diem-9-10

Thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng.

Tôi đọc bài viết "Đề thi Toán lớp 5 khiến học sinh phát khóc" nêu ý kiến của học sinh, phụ huynh và nhà quản lý giáo dục ở cấp phòng, cấp sở. Tinh thần chung của các ý kiến là cho rằng câu 9b và câu 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm của học sinh lớp 5 ở TP Vinh (Nghệ An) là quá khó, không phân loại được học sinh. Với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy một số giáo trình Toán tiểu học của Việt Nam, Singapore, Mỹ, tôi nhận thấy hai câu 9 và 10 đều nằm trong phạm vi chương trình kiến thức của học sinh lớp 5.

Cách ra đề câu 9 bài bản và chuyên nghiệp. Câu 9a rất cơ bản và khá dễ với học sinh lớp 5, nhưng quan trọng hơn nó là đường dẫn gợi ý cho câu 9b. Sử dụng yếu tố MN song song BD để suy ra ngay 2 đường cao từ B và D xuống MN bằng nhau, kết hợp với yếu tố chung đáy MN nên có ngay Dt(BMN)= Dt(DMN).

thay-tran-phuong-dung-mac-dinh-tre-phai-luon-dat-diem-9-10-1

Câu 9 và 10 trong bài kiểm tra cuối năm của học sinh lớp 5 ở Vinh (Nghệ An) gây tranh cãi.

Từ đường dẫn kết quả câu 9a chuyển trạng thái tính Dt(ABND) thành tính Dt(ABMD) rồi phân tích thành tổng Dt(BAM) + Dt(DAM) và sử dụng AM=MC là suy ra ngay Dt(ABND) bằng nửa Dt(ABCD) và bằng 8 cm2. Như vậy có thể thấy câu 9 là câu hỏi phức hợp kiểm tra được nhiều kỹ năng về diện tích nên có thể phân loại giữa học sinh trung bình và học sinh khá.

Câu 10 là bài toán hay và khó, có thể sử dụng trong các kỳ thi học sinh giỏi Tiểu học. Mặc dù khó nhưng về kỹ năng và kiến thức vẫn hoàn toàn nằm trong phạm vi lớp 5. Do việc thiết kế nội dung sách giáo khoa có yếu tố kế thừa rồi mở rộng thêm nên các phép toán về phân số mặc dù đã được dạy từ lớp 5 nhưng vẫn được kế thừa dạy lại và mở rộng hơn một chút cho học sinh lớp 6. Vì vậy, ý kiến của giáo viên cấp 2 cho rằng phải sử dụng kiến thức lớp 6 là không xác đáng.

Trong các sách tham khảo cho học sinh lớp 5 và khi luyện tập phân số, học sinh lớp 5 thường hay gặp dạng bài phổ biến toàn thế giới, đó là biến đổi tổng các phân số thành các tổng đan dấu, chẳng hạn: 1/1x2 +1/2x3 + 1/3x4 +....+ 1/99x100 đưa về 1/1 − 1/2 + 1/2 − 1/3 +....+ 1/99 − 1/100 và rút gọn nhận được 1/1 − 1/100 = 99/100

Câu 10 trong đề thi đã dựa trên ý tưởng cơ bản tổng đan dấu, nhưng được nâng cấp lên để tạo ra bài toán hay và khó, giúp phân loại được học sinh giỏi. Mấu chốt của bài toán chính là việc quan sát hiệu các mẫu số của các phân số trong A và B lần lượt là 100 và 25 nên ta nhân tương ứng 100A và 25B rồi mới biến đổi 100A và 25B thành các tổng đan dấu để cuối cùng suy ra 100A=25B và dẫn đến A : B = 1/4.

Tôi không được xem toàn bộ đề thi, nhưng theo phản ánh của phụ huynh, học sinh có thể suy đoán các câu từ 1 đến 8 và cả câu 9a học sinh đều dễ dàng làm được. Nếu lấy câu 9a làm đường dẫn thì câu 9b là câu hỏi phân loại học sinh trung bình và khá, còn câu hỏi 10 là tìm kiếm học sinh giỏi. Như thế nếu số đông học sinh làm được 8 câu mà không làm được câu 10 hoặc câu 9b thì cũng là hết sức bình thường.

Phải chăng hiệu ứng 100% điểm 9-10 và 95-99% học sinh giỏi là bệnh thành tích cố hữu ở bậc tiểu học, tạo dư luận bức xúc và nhận xét đề thi khó. Qua việc này các thầy cô, phụ huynh cần dạy cho trẻ ý thức trân trọng 8 là một điểm khá, đừng mặc định cho trẻ phải luôn đạt điểm 9-10 trong mọi bài kiểm tra. Các nhà quản lý cũng cần có bản lĩnh trước áp lực đa số nhưng thiếu hiểu biết chuyên môn để không nên vội vàng nhận lỗi không xác đáng.

Trần Phương
Phó giám đốc thường trực Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét