Ngày 23/5, tại tọa đàm về chương trình giáo dục phổ thông, Thạc sĩ Đỗ Thị Nga (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học) nêu thực tế sinh viên sư phạm thực tập ở các trường thường bị giáo viên hướng dẫn bắt theo sách giáo viên "không sai một dấu phẩy".
Sách giáo viên là tài liệu cụ thể hóa về mặt phương pháp, hướng dẫn giáo viên chuyển kiến thức ở sách giáo khoa đến học trò ở các tiết học. Theo bà Nga, trường sư phạm không định hướng sinh viên sử dụng loại sách này khi ra trường khuyến khích thực hành kỹ năng phát triển năng lực cho học sinh.
Mỗi mùa thực tập, bà Nga thường nhận được nhiều cuộc gọi của sinh viên phàn nàn về việc họ phải làm những điều khác với những gì được học. Nhiều giáo viên hướng dẫn còn chỉ dẫn sai kiến thức cho người thực tập mà sinh viên vẫn "ngậm đắng nuốt cay" lắng nghe.
"Nhiều khi tôi muốn gặp giáo viên hướng dẫn để can thiệp thì sinh viên lại sợ mối quan hệ hai bên bị rạn nứt. Làm sao để sinh viên chúng tôi được áp dụng những gì đã được dạy trong nhà trường?", bà Nga đặt câu hỏi.
Học sinh tiểu học TP HCM trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Bà Nguyễn Thị Mai Thu (Hiệu trưởng trường Tiểu học Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết, không chỉ sinh viên thực tập mà cả giáo viên cũng rất lệ thuộc vào sách giáo viên. Nhiều lần ban giám hiệu góp ý rằng, sách giáo viên là hướng dẫn chung, cần phải căn cứ vào thực tế để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhưng tình trạng không được cải thiện nhiều.
"Nhiều giáo viên cứ bước vào lớp là rập khuôn một trình tự 5 bước dạy học", bà Thu chia sẻ.
Nữ hiệu trưởng cho biết thêm, giáo viên ở các trường tiểu học đang vất vả trong khâu dạy học theo hướng tổ chức hoạt động. Họ không hình dung được phương pháp này ra sao nên phải tổ chức thao giảng rồi một năm sau đó mới hình thành và thiết kế được kế hoạch. Bà Thu muốn trường sư phạm tăng cường chương trình đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức hoạt động cho sinh viên sư phạm.
Khá đồng tình với các ý kiến trên, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (khoa Tâm lý giáo dục) cho hay, bản thân ông không thích thú mỗi khi được giao viết sách giáo viên. Theo ông Sơn, cái sai là người viết loại sách này khi đóng khung việc tổ chức dạy học thay vì viết theo hướng gợi mở, có nhiều sự lựa chọn dành cho người đứng lớp.
Nhiều giảng viên khác phân tích, thực trạng phần nào phản ánh sự vênh giữa đào tạo và thực tế sử dụng lao động ở các trường phổ thông, khi kiến thức được học trong đại học không được áp dụng thực tế. Kết nối giữa các đại học đào tạo sư phạm và trường phổ thông chưa chặt chẽ.
"Nếu bỏ toàn bộ sách giáo viên thì khó, nhưng có lộ trình, dần dần giao quyền chủ động cho giáo viên thiết kế bài dạy. Bộ đã mở lối bằng việc linh hoạt chương trình dạy, giáo viên cần chủ động", một giảng viên bày tỏ
Mạnh Tùng
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét