(Chuyên mục giáo dục)Chị em sinh ba người Việt tốt nghiệp trung học Mỹ với điểm cao nhất

No Comments

Đối với chị em sinh ba họ Tran, cuộc sống luôn diễn ra ba lần tương tự nhau. Thậm chí trong lễ tốt nghiệp, ba đôi bàn tay cùng vỗ, ba vòng tay cùng ôm chặt bạn bè, ba mái tóc đen mượt dưới chiếc mũ cử nhân, ba đôi giày cao gót cùng bước lên bục nhận bằng. Ba cái tên được gọi liên tiếp ở vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ ba nhờ điểm trung bình cao nhất khóa. 

"Em không mong đợi cả ba sẽ đứng đầu khóa, thậm chí là top 10%. Nhưng em đã ở đây và hiểu được lý do mọi người gọi đây là nước Mỹ", Tran Bao Tran - thủ khoa trung học của Học viện Evolution trả lời trên Dallas News ngày 20/5. 

chi-em-sinh-ba-nguoi-viet-tot-nghiep-trung-hoc-my-voi-diem-cao-nhat

Ba chị em sinh ba tốt nghiệp trung học điểm cao nhất. 

Chị cả Han Bao Tran là á khoa và em út Ngan Bao Tran có số điểm cuối khóa cao thứ ba trên 148 học sinh tốt nghiệp năm nay. Trường công lập tự chủ ở Richardson là một phần của mạng lưới trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên bỏ học cùng các trường ở Houston và Beaumont, Texas. Lễ tốt nghiệp được tổ chức tại trung tâm Curtis Culwell ở Garland. 

Sống "giấc mơ Mỹ"

Tốt nghiệp phổ thông là cột mốc quan trọng trong cuộc đời chị em sinh ba 18 tuổi không nghĩ có thể xảy ra sau khi bỏ học tại trường trung học Berkner ở Richardson ISD vài năm trước. 

Bố mẹ chia tay khi cả ba còn là học sinh tiểu học. Cuộc di cư đến Mỹ năm 2012 giúp họ tái ngộ với bố ở bang Nevada, trong khi mẹ vẫn ở Việt Nam. Những cô gái có nụ cười tươi, luôn lịch sự nói "xin vui lòng" và "cảm ơn" với mọi người đã thay đổi môi trường sống để tìm kiếm nhiều cơ hội học tập tốt hơn. 

Sau ca làm dài ở một tiệm bánh mì, mẹ của họ - người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nói với các con gái những chuyện có thể xảy ra ở Mỹ. Do đó, trong bài phát biểu tốt nghiệp của á khoa, Han kể rằng từ ngày còn bé, em đã tưởng tượng về nước Mỹ như một thiên đường màu hồng.

chi-em-sinh-ba-nguoi-viet-tot-nghiep-trung-hoc-my-voi-diem-cao-nhat-1

Thủ khoa Tran Bao Tran cười tươi trong lễ tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, khi thực sự đặt chân đến đây, rào cản ngôn ngữ và văn hóa khiến ba chị em bối rối. Chuyển đến Bắc Texas trước khi năm học bắt đầu vào năm 2015, lịch học khiến họ choáng ngợp với các khóa danh dự và nâng cao. Họ sợ thất bại, do đó ngừng đến lớp. 

"Chúng em muốn nhất định phải đạt điểm A, đó là vấn đề của người châu Á điển hình. Chúng em thà không đi học còn hơn là không làm được bài kiểm tra", Tran giải thích thêm.

Một ngày trốn học thành hai ngày, rồi một tuần, dần kéo dài đến vài tháng. Cả ba tự nhốt mình trong phòng ngủ để trốn tránh việc học. "Trong thâm tâm, em biết mọi người sẽ nghĩ về những người châu Á không đi học. Em lo sợ những chỉ trích và đánh giá của mọi người, đặc biệt là cảm giác của bố mẹ. Họ hẳn sẽ thất vọng, xấu hổ về con gái mình", Tran chia sẻ.

Cơ hội thứ hai

Sau khoảng 6 tháng không đến trường, một nhân viên quản lý tại trường Berkner hướng họ đến Học viện Evolution. Thành lập năm 2002, học viện đã giúp 2.000 học sinh tốt nghiệp, nhiều người trong số đó đã bỏ học ở các trường công lập truyền thống.

Cynthia Trigg, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành học viện cho biết: "Chúng tôi nhắm mục tiêu vào những học sinh đang gặp khó khăn, không thích hợp với môi trường giảng dạy truyền thống. Thực tế cho thấy chúng tôi đã thành công".

Học sinh ở Học viện Evolution học tại trường trong 4 tiếng, hoàn thành các khóa học trên máy tính để tốt nghiệp đúng thời gian như chưa từng bỏ học. Không giống lý do của chị em họ Tran, vài học sinh phải chiến đấu để vượt qua ma túy, chịu án tù hoặc làm bố mẹ ở tuổi thanh thiếu niên. 

Hệ thống trường hỗ trợ học sinh bỏ học mọc lên khắp bang. Theo Hiệp hội trường học Texas, hơn 100 trường ở bang này có đối tượng là học sinh bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. 

chi-em-sinh-ba-nguoi-viet-tot-nghiep-trung-hoc-my-voi-diem-cao-nhat-2

Dì của ba chị em từ Việt Nam sang chúc mừng các cháu. 

Đối với chị em sinh ba người Việt, Học viện Evolution là cơ hội thứ hai của cuộc đời. Trong lễ tốt nghiệp, dì của họ đã từ Việt Nam sang Mỹ, dùng điện thoại ghi lại hình ảnh các cháu bước đi trên sân khấu. Mẹ của ba chị em không thể tham dự nhưng có thể xem lễ tốt nghiệp được quay trực tuyến qua màn hình máy tính ở Việt Nam. 

Mùa thu tới, cả ba dự định vào Cao đẳng cộng đồng Richland, sau đó liên thông lên một trường đại học 4 năm để học về kinh doanh. Kể về những gì được học từ khi vượt qua giai đoạn khó khăn, họ hào hứng chen nhau nói. "Bạn phải để tâm đến nó. Không ai trao cho bạn cả, bạn phải đi tới và giành lấy nó". 

Phiêu Linh

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét