16 tuổi nhưng Trần Phan Thanh Hải (lớp 10 trường THPT Marie Curie, TP HCM) trông như học sinh tiểu học. Hai chân bị liệt, tay yếu ớt sau tai nạn nên nam sinh phải ngồi xe lăn.
Vừa qua, Hải và bạn cùng lớp Nguyễn Lâm Tường, đã chế tạo thành công sản phẩm Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bị bại liệt.
"Ý tưởng này xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của em, việc học và mọi sinh hoạt em đều cần sự hỗ trợ. Nếu có một robot tự động giúp cho người bại liệt thì mọi hoạt động của họ sẽ dễ dàng hơn", Hải chia sẻ.
Trần Phan Thanh Hải đang giới thiệu mô hình robot hỗ trợ người bị bại liệt. Ảnh: Mạnh Tùng |
Để làm được robot này, đôi bạn phân công nhau xác định hướng nghiên cứu, tìm nguyên liệu và học lập trình. Ban đầu, sản phẩm hướng tới việc hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy, giúp người khuyết tật việc nội trợ và những sinh hoạt giản đơn hằng ngày.
Vốn là học sinh giỏi Lý, Hải khá rành về cơ khí nên cậu lo phần điện dân dụng, vi mạch điện tử còn Tường phụ trách lập trình phần mềm cho robot. Với sản phẩm này, robot được điều khiển bằng cử chỉ mắt của người khuyết tật. Bộ phận tiếp nhận lệnh được gắn trên xe lăn, vừa tầm mắt với người bại liệt.
Tiếp đó, Hải nâng công suất hoạt động của robot, đồng thời nâng cấp điều khiển tự động qua phần mềm trên điện thoại di động. Từng công đoạn, đôi bạn phải thực hiện nhiều lần mới thành công.
"Đêm trước khi mang sản phẩm đi thi vòng chung kết cuộc thi khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học, robot bị trục trặc, hoạt động không như ý muốn. Em đã thức trắng để sửa chữa, may lúc trời gần sáng thì robot chạy ổn định", Hải kể.
Trước đó, khi còn là học sinh THCS, Hải đã "tập dợt" khả năng sáng chế qua cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP HCM với sản phẩm hệ thống cửa khóa trong, tự động mở bằng điện thoại.
Hệ thống này được lập trình dưới dạng sim điện thoại, thông qua thao tác gọi, chủ nhà có thể đóng, mở cổng khi đứng bất cứ nơi nào. Sản phẩm nhận sự đánh giá khá tốt và được chấm giải B.
"Việc đi lại, học hành của em phụ thuộc phần lớn vào mẹ. Mỗi lần cõng em lên xe chở về nhà, mẹ em thường rất vất vả để vừa giữ em trên xe, vừa mở cổng. Từ đó, em muốn có một thiết bị giúp mẹ không cần xuống xe mà vẫn mở được cổng", Hải kể.
Mô hình robor hỗ trợ cho người bại liệt. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Bà Phan Thị Huỳnh Mai (mẹ của Hải) cho biết, hồi nhỏ cậu khá yếu nhưng vẫn đi lại bình thường. Lên 4 tuổi bỗng hai chân cậu có dấu hiệu bị teo, gia đình chạy chữa khắp nơi không khỏi.
Gần đây, di chứng bệnh khiến cột sống của nam sinh bị vẹo, hai tay yếu và hay run, viết bài một lát là phải nghỉ vì mỏi.
Dù con trai không may mắn như bạn bè, song bà Mai được an ủi khi Hải rất lạc quan, học hành chăm chỉ. "Có những đêm con tôi thức trắng hí hoáy lắp ghép máy móc, mô hình. Hải làm gì cũng tận tâm, xong việc rồi nó mới chịu ăn, ngủ", người mẹ tự hào kể.
Thầy chủ nhiệm của Hải, ông Huỳnh Minh Hải (giáo viên Lý trường THPT Marie Curie) khen học trò có nghị lực và thái độ sống đáng khâm phục. "Đang là học sinh nhưng suy nghĩ của Hải khá chững chạc. Sáng chế nào của em cũng hướng đến những người khuyết tật và cộng đồng", thầy Hải nhận xét.
Mạnh Tùng
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét