(Chuyên mục giáo dục)6 năm chỉ có 2 mùa học và thi của sinh viên Y đa khoa

No Comments

Quá 12h trưa, dãy bàn đá ở sân ký túc xá Đại học Y Hà Nội vẫn đông sinh viên chăm chú đọc sách. Phạm Thị Anh (lớp Y5B, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa) nhắc lại cho người bạn cùng khóa triệu chứng của bệnh vừa được học khi đi lâm sàng ở bệnh viện buổi sáng. Hơn một tiếng nữa, các em sẽ bước vào buổi học chiều. 

"Ngày nào cũng vậy, sáng em đi viện, chiều học ở trường, tối tự ôn kiến thức. Nếu không nắm lại bài thầy cô giảng thì hôm sau đi lâm sàng, chúng em không biết phải hỏi bệnh nhân những gì, không nắm được triệu chứng bệnh", Phạm Thị Anh nói.

Nữ sinh năm 5 chuyên ngành Bác sĩ đa khoa cho biết, khó khăn lớn nhất của sinh viên Y Hà Nội là khối lượng kiến thức quá nhiều, số trình học nặng. Một kỳ, Anh phải trải qua 6-7 chuyên khoa lẻ. Giáo trình của mỗi khoa này dày 200-300 trang, sinh viên phải học thuộc lòng và hiểu cặn kẽ từng vấn đề nhỏ nhất. Ngoài ra, sách tham khảo, tài liệu tiếng nước ngoài…, các sinh viên Y cũng phải đọc liên tục.

6-nam-chi-co-2-mua-hoc-va-thi-cua-sinh-vien-y-da-khoa

Cả ngày ở viện, trường, tối lại lên thư viện, giảng đường tự học, 23h đêm về phòng, các sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội lại "chong đèn" ôn tập đến 0-1h sáng hôm sau. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Từ năm thứ nhất, chúng em đã phải học cả ngày trên lớp. Một tuần có 7 ngày thì 5 ngày sinh viên Y sẽ học, đến thứ bảy, chủ nhật lại thi. Chung quy cả tuần, chúng em chẳng có thời gian chơi mấy", Nguyễn Thị Xoan lớp Y5A tâm sự. Nhiều lúc Xoan thấy tủi khi nhìn các bạn ở trường khác xúng xính váy áo đi chơi còn mình thì học triền miên. Sinh viên trường Y vẫn nói với nhau ở đại học này cả 6 năm chỉ có 2 mùa học và thi là vì vậy.

Một ngày của sinh viên Y5 (sinh viên năm thứ 5) thường bắt đầu rất sớm. 7h30, các em phải có mặt ở bệnh viện để đi lâm sàng. Buổi học đôi lúc kéo dài đến 13h. Chỉ 30 phút sau đó, tiết học tại giảng đường Đại học Y Hà Nội sẽ bắt đầu. Bát mì tôm húp vội, chiếc bánh mì mang luôn vào lớp để vừa học, vừa ăn, đã thành hình ảnh quen thuộc của sinh viên trường đại học tốp đầu Việt Nam này.

Rất đông sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa (Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, từng khủng hoảng khi học năm thứ nhất bởi kiến thức của một học kỳ ở trường bằng kiến thức 3 năm cấp ba cộng lại. Lớp của Đặng Đức Trung (20 tuổi, Ninh Bình) khi ấy trượt 1/3. Em bảo, đã học liên tục, cứ rảnh là lên giảng đường hoặc thư viện ngồi đến 23h chuông báo nghỉ lại về phòng đọc bài. Thế nhưng, "núi" kiến thức cần ghi nhớ vẫn không ôn được hết.

"Mùa thi, giảng đường 200 chỗ thì phải 250 sinh viên ngồi tự học. Những bạn không có chỗ sẽ ngồi cả ở hành lang hoặc cứ nơi nào sáng thì ngồi", Trung kể.

Phó phòng thư viện Đại học Y Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, 500 chỗ ngồi trong thư viện của trường nhiều khi chật cứng sinh viên. Có lúc thư viện mất điện, phòng rất nóng, nhưng các bác sĩ tương lai vẫn miệt mài đọc sách. "Chăm chỉ đã thành đặc tính truyền thống của sinh viên Đại học Y Hà Nội", cán bộ có 20 năm công tác tại trường nói.

6-nam-chi-co-2-mua-hoc-va-thi-cua-sinh-vien-y-da-khoa-1

Thư viện Đại học Y Hà Nội khá đông sinh viên ngồi học bài, dù mới đầu học kỳ 2, chưa vào mùa thi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nhắc về chiếc valy kích cỡ 20-24 inch chật cứng giáo trình, sách đọc thêm của năm đại học thứ nhất, mỗi cuốn nặng 3-5 kg, Trần Mai Khánh Linh (lớp Y3) bảo, học liệu của sinh viên trường Y không thể tính bằng quyển mà phải tính bằng kg là vì thế. Thay đổi lớn nhất của sinh viên chuyên ngành Bác sĩ đa khoa là khi học lâm sàng tại bệnh viện vào kỳ học thứ hai năm thứ ba.

Khi tiếp xúc với người bệnh, học cách khám, phát hiện triệu chứng và làm bệnh án, các em nhận ra "núi" kiến thức mình từng học chỉ là hạt cát giữa sa mạc. "Nhìn các bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, em thấy mình thật nhỏ bé và bức bối vì chưa biết làm gì giúp họ. Thực tế đó càng thôi thúc em và sinh viên khác học tập nhiều hơn", Linh nói.

Cũng bắt đầu từ năm học thứ ba, các sinh viên Y đa khoa sẽ trực ở bệnh viện để phụ giúp bác sĩ, điều dưỡng. Cả ngày học ở trường, ở viện, có những tối các em lại trực cấp cứu chỉ được ngủ 3 tiếng rồi 7h30 hôm sau lại đi lâm sàng. Không ít sinh viên đã ngủ gục trên lớp hoặc phải uống cà phê cho tỉnh táo. "Cảm giác khi ấy thật khủng khiếp, cơ thể không còn sức lực nữa", nữ sinh Linh tâm sự.

Học tập vất vả nhưng đa số sinh viên Đại học Y Hà Nội khi được hỏi đều trả lời chưa một lần muốn từ bỏ chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Các em cho biết, đến năm học thứ tư, khi mọi thứ đã vào guồng, việc một tuần trực đêm 2-3 buổi không còn căng thẳng nữa. Ngược lại, họ thấy vui với công việc ý nghĩa này. Các sinh viên Y mong muốn và sẵn sàng thu nhận nhiều kiến thức hơn, từ sách vở, thầy cô, từ những ngày đi lâm sàng ở bệnh viện… để sau này trở thành bác sĩ giỏi, cứu giúp được nhiều người.

Những giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi trong ngày, các nhóm sinh viên Y1-2 hội tụ cùng nhau bên cây đàn, tiếng hát hay tham gia hoạt động tình nguyện. Sinh viên Y3-6 có thể tìm đến các lớp học nâng cao tiếng Anh để tiếp cận dễ dàng hơn với nền y học hiện đại của thế giới.

"Các thầy cô ở trường đang giảm dần áp lực học tập cho sinh viên, chú trọng hơn nội dung học ngoại khoá. Vài năm gần đây, trường đưa môn Kỹ năng giao tiếp vào giảng dạy giúp chúng em sau này ngoài làm tốt công việc chuyên môn còn là người bác sĩ tâm lý, được nhiều bệnh nhân yêu mến", nam sinh Y đa khoa năm 2 Đặng Đức Trung chia sẻ.

Đầu tháng 4, học sinh các trường THPT bắt đầu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Một trong những ngành nghề được học sinh yêu thích và lựa chọn nhiều nhất là Bác sĩ Đa khoa của Đại học Y. Đây cũng là ngành có điểm xét tuyển cao nhất (thường từ 27 điểm cho 3 môn trở lên). Tuy nhiên, khác xa với vẻ hào nhoáng bên ngoài, những bác sĩ tương lai phải học tập rất căng thẳng. 

Quỳnh Trang

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét