Cả trăm sinh viên năm nhất tỏ ra thích thú với chiếc máy in 3D tại chương trình Ngày hội kỹ thuật 2017 của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức ngày 18/2. Đây là sản phẩm của 6 chàng sinh viên năm tư, lớp Chế tạo máy (khoa Cơ khí).
Công nghệ in ấn 3D là các lớp vật liệu được chồng lên nhau và định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính, tạo ra các vật thể, vốn đã phổ biến trên thế giới từ nhiều năm nay.
Nguyễn Hữu Sang giới thiệu sản phẩm máy in 3D của nhóm mình. Ảnh: M.T. |
"Giá các loại máy này trên thị trường Việt Nam lên tới vài chục triệu nên không phải ai cũng có thể tiếp cận. Chúng tôi muốn cải tiến một chiếc máy in 3D từ các vật liệu đơn giản hơn để giảm giá thành", Nguyễn Hữu Sang chia sẻ về ý tưởng của nhóm mình.
Sang cho biết, chiếc máy của nhóm là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ từ đầu năm ngoái. Dưới sự hướng dẫn của một giảng viên trong khoa, nhóm đã lên mạng tìm hiểu về công nghệ in 3D mới nhất của thế giới.
Sau giai đoạn thiết kế, họ mất chừng 4 tháng để tìm kiếm vật liệu, lắp ráp nhiều bộ phận khó như thanh trượt, bộ truyền đai răng, bàn gia nhiệt và các mạch điều khiển. Để tiết kiệm chi phí, nhiều chi tiết máy được tận dụng từ những đồ dùng đơn giản như ống nước, tấm kiếng... cái nào không có sẽ đi mua.
"Người sử dụng chỉ cần thiết kế sản phẩm 3D bằng nhiều phần mềm khác nhau, miễn sau xuất ra file định dạng .stl, lưu vào thẻ nhớ để đưa dữ liệu vào máy, tiến hành in", Sang hướng dẫn.
Hiện, máy in 3D của nhóm Sang được áp dụng với nguyên liệu là sợi PLA cho ra sản phẩm nhựa. Thời gian để tạo ra một số đồ vật đơn giản như bộ xương cá mất khoảng 40 phút, trong khi những mô hình phức tạp hơn như con hươu cao cổ, bông hoa sen mất khoảng vài giờ.
Sang tự tin tính khả thi của sản phẩm khi được nhân rộng đến nhiều người có nhu cầu.
"Sản phẩm của chúng tôi sẽ có giá thành rẻ hơn vì vật liệu đầu vào chỉ mất khoảng 4 triệu đồng. Tốc độ in và độ tinh xảo của sản phẩm tuy còn hạn chế so với sản phẩm ngoài thị trương nhưng nhóm chúng tôi khắc phục được", Sang nói và cho biết máy in 3D rất hữu dụng cho các trường giảng dạy ngành y (làm mô hình bộ phận con người), giáo dục (làm mô hình đồ vật)...
Các mô hình được hoàn thiện từ máy in 3D. Ảnh: M.T |
Ngày hội kỹ thuật được Đại học Bách khoa TP HCM tổ chức hằng năm, chủ yếu dành cho sinh viên năm nhất, trưng bày các sản phẩm của tất cả các nhóm ở khoa sau khi học xong môn Nhập môn Kỹ thuật.
Nhiều sáng chế từ các sinh viên năm nhất được đánh giá cao về ý tưởng và tính ứng dụng như Thiết bị cảnh báo nhiệt và cảnh báo sốt ở trẻ em, Xe đạp lọc nước, Sản xuất xà phòng từ dầu thải nhà bếp, Phao cho xe máy...
"Sân chơi muốn giúp sinh viên thực hành kiến thức được học, rèn luyện phương pháp tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề. Sự sáng tạo này sẽ tạo cảm hứng đam mê nghề nghiệp để các em sẵn sàng trở thành một kỹ sư giỏi trong tương lai", GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường, chia sẻ.
Mạnh Tùng
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét