(Chuyên mục giáo dục)Xóa biên chế, không thận trọng sẽ 'giao trứng cho ác'

No Comments

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm nay, chủ trương xóa bỏ biên chế trong giáo dục được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó chủ nhiệm bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, cho rằng việc quyết định đưa các cơ sở y tế, giáo dục công thành mô hình hoạt động độc lập như một công ty, trao quyền lực lớn cho lãnh đạo đơn vị là mô hình rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi mô hình chưa chính thức vận hành thì xuất hiện một số vấn đề như: bảo hiểm y tế xuất toán ồ ạt ở các địa phương; nhiều bác sĩ, giáo viên vùng sâu đồng loạt bỏ biên chế; việc lạm dụng bảo hiểm y tế, lạm dụng y tế kỹ thuật cao trong y tế diễn ra tràn lan. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ thận trọng khi triển khai chủ trương trên.

pgs-nguyen-lan-hieu-de-nghi-bo-bien-che-o-tat-ca-cac-nganh

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quochoi

"Nếu các vị đại biểu về thăm xã vùng cao, nơi ôtô không đến được, gặp các cô giáo và y bác sĩ ngày đêm bám trụ thì thấy không phải chỉ vì yêu nghề, họ gắn với đồng bào vùng cao vì vẫn yên tâm mình nằm trong biên chế nhà nước, là công chức trong hệ thống. Nếu bỏ biên chế trong y tế, giáo dục, cần chính sách cụ thể cho từng vùng miền", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện có quyền hạn rất lớn, nếu không có sự đào tạo và tuyển chọn thì rất có khả năng "giao trứng cho ác". Việc trao quyền chỉ được thực hiện khi có cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Song song với đó là hoạt động nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị theo cơ chế mới.

Đại biểu này cho rằng, nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh, như hầu hết nước trên thế giới. Như vậy mới bỏ được tâm lý chạy một suất biên chế cho người nhà mình. "Theo tôi, việc bỏ biên chế ngành giáo dục không quan trọng bằng đổi mới ngành giáo dục. Đổi mới giáo dục là tất yếu vì nhược điểm của ngành này ngày càng nhiều", PGS Hiếu khẳng định.

Tuy nhiên, PGS Hiếu lưu ý, đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ cái cũ. Những nhà lãnh đạo, những người xây dựng chương trình giáo dục khi phê phán chương trình cũ đừng quên rằng chính họ được đào tạo trong hệ thống đó và thành công như hiện nay.

"Ý kiến cá nhân của tôi là hãy tạo ra một chương trình giáo dục mở, đừng cứng nhắc các tiêu chí, bắt học sinh trở thành bác học với một mớ kiến thức khổng lồ, tài đức vẹn toàn. Riêng tôi đã được theo học mô hình thực nghiệm từ lớp 1 đến lớp 10 và thấy rằng đây là mô hình tương đối tốt, nên kế thừa, phát triển, đừng xóa bỏ gây lãng phí và chưa chắc mô hình mới có tốt hơn không", ông Hiếu nói.

thuong-toa-thich-thanh-quyet-giao-vien-khong-nang-ne-cong-chuc-hay-hop-dong

Hòa thượng Thích Thanh Quyết. Ảnh: Gia Linh

Trước đó trong buổi sáng, thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ cử tri rất quan tâm đến cải cách giáo dục và vấn đề tinh giản biên chế, vì đây là lĩnh vực lấy con người làm trung tâm. Giáo dục là quy trình đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra là con người, quá trình vận hành cũng là con người. 

"Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu. Giáo viên không nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, là trong hay ngoài biên chế. Họ mong tiếp tục phấn đấu thi đua công bằng để cống hiến, khẳng định mình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay. Rất mong Bộ Giáo dục chú trọng", thượng tọa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, giáo viên trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho rằng quá trình tinh giản biên chế ở các cơ sở giáo dục thời gian qua chủ yếu là dừng tuyển dụng. Việc này gây ra nhiều bất cập, đơn cử như không có người kế nhiệm vị trí công việc.

"Ngành giáo dục nhiều địa phương đã dừng tuyển dụng từ lâu, có nơi dừng từ năm 2008. Nay lại thêm chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề của giáo viên giảm sút, ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề. Đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này", đại biểu Phúc nói.

Loại khỏi ngành những giáo viên chưa đạt yêu cầu

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương chuyển dần biên chế sang hợp đồng đối với giáo viên là thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần có nguồn lực và động lực. Động lực đối với nhà giáo rất quan trọng nhưng đang có nhiều bất cập.

"Do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là ở trường phổ thông dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy, Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng", ông Nhạ giải thích.

thuong-toa-thich-thanh-quyet-giao-vien-khong-nang-ne-cong-chuc-hay-hop-dong-1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội sáng 9/6. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng cho biết, ngành đang nghiên cứu các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo, từ đó thực hiện thành công đổi mới theo Nghị quyết 29. Nghị quyết này đã nêu rõ, năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và phẩm chất, khi cần thiết có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt yêu cầu.

"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi và chúng tôi thực hiện rất căn cơ, trước hết thí điểm ở khối đại học vì có thuận lợi là đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ", ông Nhạ nói và thông tin thêm, Bộ đã trao đổi với các đơn vị và Sở về vấn đề trên.

"Dư luận rất quan tâm và nhiều ý kiến cho rằng việc này phù hợp với điều kiện cơ sở và tâm lý giáo viên", ông Nhạ nói.

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét