Để có một bài nghị luận văn học, người viết phải biết vận dụng thuần thục và hợp lý các thao tác lập luận. Trong chương trình ngữ văn THPT, học sinh đã được trang bị kiến thức lý thuyết và thực hành vận dụng 6 thao tác lập luận, bao gồm: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. Các thao tác này tương ứng với 6 bài học được sắp xếp theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, từ cơ bản đến nâng cao và trải dài theo chương trình Ngữ văn lớp 10-12. Mục đích của hệ thống bài học về các thao tác lập luận giúp học sinh nắm vững lý thuyết và có khả năng vận dụng thành thục khi viết một bài văn nghị luận.
Tuy nhiên, hiện nay rất ít học sinh ý thức một cách sâu sắc điều này. Hầu hết em khi viết văn chỉ quan tâm đến việc viết cái gì, chưa thực sự để tâm đến việc viết như thế nào, sử dụng các thao tác lập luận ra sao?
Thông thường khi làm bài nghị luận văn học, học sinh chỉ sử dụng 4 thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh và bình luận. Thao tác so sánh được sử dụng rất ít, còn thao tác bác bỏ thì gần như không được đưa vào. Tuy nhiên, đây lại là những "phép" giúp bài viết của thí sinh trở nên dày dặn, rõ ràng và sâu sắc hơn.
Sử dụng thao tác lập luận so sánh để thể hiện cái nhìn bao quát
So sánh là thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật mà mình quan tâm.
Trong bài văn nghị luận văn học, ngay ở phần mở bài chúng ta có thể sử dụng thao tác lập luận so sánh để nêu vấn đề một cách ấn tượng trong tương quan với các nội dung tương đồng.
Chẳng hạn khi cảm nhận về tư tưởng "Đất nước của nhân dân" trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta có thể đặt nó trong tương quan so sánh với cảm nhận về đất nước trong thơ của các tác giả thế hệ trước và cùng thế hệ. Hay khi cảm nhận hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thí sinh có thể đặt nó trong tương quan so sánh với hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân…
Tuy nhiên, thao tác so sánh chỉ thực sự phát huy hết ý nghĩa khi người viết biết vận dụng một cách triệt để vào phần thân bài. Khi đó, học sinh có một bài viết sâu sắc, dày dặn hơn so với bài viết thông thường.
Các vấn đề văn học không bao giờ tồn tại một cách độc lập tuyệt đối và luôn có mối quan hệ mật thiết trên nhiều bình diện: giai đoạn, thể loại, đề tài, phong cách, ngôn ngữ, giọng điệu, cảm hứng… Vì vậy việc so sánh không đơn thuần chỉ là kỹ năng làm bài hay hình thức trình bày của đoạn văn nghị luận mà còn có ý nghĩa khoa học, thể hiện cái nhìn bao quát, hiểu biết toàn diện về vấn đề.
Tùy vào yêu cầu của từng đề nghị luận, người viết sẽ tìm ra đối tượng so sánh hợp lý. Chẳng hạn khi cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng nhân vật người lái đò sông Đà trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Tuân, thí sinh có thể so sánh với nhân vật ông lão Xa-ti-a-gô trong Ông già và biển cả của Hemingway để thấy được điểm tương đồng trong mô típ con người đơn độc và dũng cảm đối đầu với sức mạnh của thiên nhiên.
Bên cạnh đó học sinh cũng có thể so sánh với nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để thấy được sự thay đổi trong quan niệm về người anh hùng và những chuyển biến về nội dung, tư tưởng trong tác phẩm của nhà văn họ Nguyễn…
Cần tinh tế khi sử dụng thao tác lập luận bác bỏ
Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường của mình. Khác với so sánh, thao tác bác bỏ rất ít dùng trong phần mở bài và không dùng phổ biến trong thân bài. Để sử dụng thao tác lập luận này, học sinh cần tinh tế cả về tư duy lập luận bác bỏ và hành văn chừng mực.
Thông thường, trong một bài văn nghị luận, nếu đề bài đưa ra 2 ý kiến một đúng, một sai thì lúc đó thao tác bác bỏ mới được sử dụng để lập luận bác bỏ ý kiến sai. Chẳng hạn đề bài cho 2 nhận định về nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân: Ý kiến thứ nhất cho Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh; Ý kiến thức 2 khẳng định, đó là con người đầy khao khát, tốt bụng. Để giải quyết vấn đề nghị luận này học sinh có thể vận dụng thao tác bác bỏ phủ định tính phiến diện của ý kiến thứ nhất. Từ đó khẳng định tính toàn diện, đúng đắn, sâu sắc của ý kiến thứ hai.
Nếu đề chỉ yêu cầu phân tích, cảm nhận bình thường (vấn đề nghị luận mang tính thuận chiều) thì người viết chỉ có thể sử dụng thao tác bác bỏ ở phần cuối thân bài để nâng cao, mở rộng làm sâu sắc vấn đề.
Muốn sử dụng được thao tác bác bỏ người viết phải tự giả định những ý kiến trái chiều để có lập luận bác bỏ. Chẳng hạn đề bài chỉ yêu cầu cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Nếu trả lời đầy đủ, thuận chiều học sinh phải chỉ ra được những đặc điểm cơ bản: Đó là tâm hồn của một người phụ nữ vừa mang nét đẹp hiện đại lại vừa rất truyền thống; vừa hồn nhiên, trực cảm lại vừa có những dự cảm, âu lo…
Còn nếu muốn sử dụng thao tác bác bỏ thì thí sinh tự đặt ra giả định: "Có ý kiến cho rằng tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ dù trải qua nhiều vấp ngã, đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân nhưng vẫn hồn nhiên, trực cảm, vẫn vui tươi". Trên cơ sở ý kiến giả định đó, thí sinh sử dụng thao tác bác bỏ để phủ nhận tính phiến diện, đồng thời bổ sung và khẳng định ý kiến đúng đắn, toàn diện của mình…
Ths Đặng Ngọc Khương
Giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai
0 nhận xét
Đăng nhận xét