(Chuyên mục giáo dục)Sĩ tử nông thôn căng thẳng ôn thi vào lớp 10 công lập

No Comments

7h thức dậy tham gia lớp học thêm, trưa nghỉ 2 tiếng rồi lại đến lớp, Phạm Huyền (THCS Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ) rời trung tâm luyện thi khi đồng hồ điểm 21h. Trở về nhà, nữ sinh đang chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 lại học tiếp đến 3h sáng.

Huyền không phải là học sinh duy nhất học ngày đêm như thế. "Ở lớp em, bạn nào muốn thi đỗ cấp ba công lập hay trường chuyên đều ôn luyện như vậy. Nếu không thực sự cố gắng, em sẽ bị loại bởi chính các bạn trong lớp", Huyền nói.

Cả TP Việt Trì có 2 trường cấp ba công lập không chuyên. Nếu trượt trường công THPT Công nghiệp Việt Trì, Huyền sẽ phải xin vào học dân lập. Với nhiều học sinh như em, đó là "nỗi tủi hổ" lớn bởi hầu hết mọi người định kiến chỉ học sinh kém mới phải vào trường dân lập.

"Vẫn có những bạn chủ trương học dân lập nên không ôn tập gì, nhưng số đó rất ít", Huyền nói và cho biết thêm học phí ở cơ sở đào tạo này cao gấp 3-4 lần trường công lập. Em không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.

si-tu-nong-thon-cang-thang-on-thi-vao-lop-10-cong-lap

Cuộc đua vào lớp 10 các trường THPT công lập ít ỏi ở tỉnh khiến học sinh căng thẳng, phải ôn luyện ngày đêm. Ảnh minh hoạ: Thành Nguyễn.

Xác định rõ lực học, Huyền kỳ vọng đạt 7,5-8,5 điểm mỗi môn thi Toán, Văn, tiếng Anh. Em tự tin với môn Ngữ văn nhưng lo lắng Toán. Hai môn này sẽ nhân hệ số 2 khi tính tổng điểm đỗ vào trường. 

Nguyễn Quỳnh Trang (THCS Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) liên tục dùng từ "căng thẳng" khi nhắc về thời gian ôn thi vào lớp 10. Suốt một tháng nay, em "ngập" trong bài vở và những lời nhắc nhở gây áp lực từ bố mẹ. 16 buổi học thêm một tuần rồi lại tự ôn thi, Trang lúc nào cũng thấy mệt mỏi.

Giai đoạn nước rút, nữ sinh tập trung cao độ ôn tiếng Anh, môn thi em "đuối" nhất so với Toán, Ngữ văn. Em tự tin sẽ đỗ vào trường THPT Thanh Thủy có tỷ lệ chọi chưa đến 1:1 này, trở thành niềm tự hào của gia đình. Tuy nhiên, nếu trượt Trang sẽ phải học trường dân lập cách nhà 10 km với chi phí đắt đỏ.

Trở về nhà sau ngày dài học thêm, Huyền My (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vội vã ăn tối khi đồng hồ đã điểm 20h30 rồi lại ngồi vào bàn học. Năm nay, em sẽ thi vào lớp 10 một trường THPT công lập. Toàn huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) với 38 xã, thị trấn, nhưng chỉ có 3 trường cấp ba công lập. 4 trường còn lại là bán công, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Có quá ít lựa chọn nên Huyền My phải học ngày đêm để vượt qua kỳ thi vào trường công lập. Nữ sinh than thở "mệt mỏi và căng thẳng lắm" với kỳ thi chuyển cấp này. Cả khối 9 trường THCS của em đều đăng ký thi vào THPT Quỳnh Thọ. Đây là trường công có điểm đầu vào thấp hơn 2 trường cấp ba công lập còn lại nên thường được rất đông học sinh lựa chọn để đảm bảo "an toàn".

Năm nay, lần đầu tiên trường THPT Quỳnh Thọ đưa môn Lịch sử vào thi tuyển đầu cấp, cùng Toán, Ngữ văn. Sự thay đổi này kèm thời gian thi muộn hơn vào tháng 7, khiến nhiều học sinh lo lắng đề sẽ nặng và khó.

"Bố mẹ, ông bà, cả họ hàng cứ mỗi lần nhìn thấy em là lại nhắc phải học hành chăm chỉ để thi cho đỗ lớp 10 trường công lập. Mẹ em bảo thi trượt sẽ cho đi làm công nhân chứ không học bán công hay bổ túc vì học phí cao hơn mà tương lai mù mịt. Mỗi ngày phải vài lần nghe những câu hối thúc ấy, em áp lực vô cùng", Huyền My nói.

Tại trị trấn Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), nữ sinh Lê Diệu Ly cũng ngày đêm ôn luyện cho kỳ thi vào THPT mà em thấy căng thẳng chẳng kém gì anh hàng xóm đang ôn thi đại học. Đã bế giảng lớp 9 nhưng đều đặn 7 ngày mỗi tuần Ly có mặt ở trường THCS để tham gia lớp luyện thi nhà trường mở thêm.

3-4 buổi chiều và 3 tối mỗi tuần, Ly học ở trung tâm trong thị trấn. "Hôm nào em cũng học đến khoảng 23h mới ngủ. Ôi chỉ mong sao cho kỳ thi qua mau", nữ sinh cho biết.

Toàn huyện Triệu Sơn có 35 trường THCS, mỗi trường khoảng 35-100 học sinh khối 9. Với số lượng đó, 6 trường THPT công lập trong huyện luôn ở tình trạng rất đông học sinh đăng ký thi vào. Trường THPT Triệu Sơn 1 mà Diệu Ly đăng ký thuộc loại có tỷ lệ chọi cao nhất, 10 học sinh sẽ lấy 6-7 em. Đây là trường cấp ba được đánh giá tốt nhất về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất.

"Bố mẹ muốn em vào lớp chọn tốt nhất của trường tốt nhất. Trường năm nào cũng lấy điểm rất cao nên em chỉ dám chắc sẽ vào được trường còn khả năng vào lớp chọn thì khó", nữ sinh 9 năm đạt học sinh giỏi toàn diện, hai năm là học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn nói.

Thường xuyên tâm sự với người chị họ ở Hà Nội năm nay cũng thi vào lớp 10, Ly bảo, chị cũng căng thẳng nhưng có vẻ đỡ áp lực hơn em vì thủ đô có nhiều trường để lựa chọn.

Thanh Tâm - Quỳnh Trang

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét