TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nữ sinh đốt trường vì sống ảo trên mạng xã hội quá nhiều. |
Đọc thông tin nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa , Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: "Thật đau xót, vừa giận, vừa thương nữ sinh mù quáng, bất chấp cả đạo đức, pháp luật chỉ vì thế giới ảo. Đáng tiếc là bạn bè quanh em không ai phê phán hay can ngăn".
Theo TS Lâm, nguyên nhân chính của hành động trên là nữ sinh "sống ảo" trên mạng xã hội quá nhiều mà không coi trọng đời sống thực tiễn. Khi đủ điều kiện cho thách thức 1.000 like, em vì phải giữ thể diện trên Facebook nên có hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật.
"Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, học sinh đang sử dụng mạng xã hội tràn lan. Hiện tượng câu like đã trở thành căn bệnh. Một số em quen sống ảo nên nghĩ cuộc sống thật không có nhiều ý nghĩa", TS Lâm nói.
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nữ sinh đốt trường đã nhầm lẫn về giá trị sống, không xác định được đâu là điều tốt đẹp ở cuộc sống thực. Những người hưởng ứng lời tuyên bố của em cũng thiếu chín chắn, chỉ có nhu cầu thách thức người đăng mà không nghĩ hậu quả về sau.
TS Vũ Thu Hương cho rằng nên các trường nên cấm học sinh sử dụng Facebook. |
Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng những người like và share status của nữ sinh có "tâm địa không ổn". Ai cũng có cái sai nhưng biết người ta sai mà ép họ vào thế chân tường để phải xấu hổ vì điều đã nói là "hành động rất tệ".
Cho rằng lạm dụng mạng xã hội là nguyên nhân dẫn đến việc nữ sinh đốt trường, nữ tiến sĩ đề xuất các trường có quy định hạn chế học sinh sử dụng Facebook và phạt nặng trường hợp vi phạm. Các phụ huynh cần giám sát để học sinh thực hiện nghiêm.
Phản đối việc cho trẻ sử dụng Internet, TS Hương kể rằng, rất nhiều học sinh đã thừa nhận vào web xem clip đánh nhau, sex. Những video có nội dung như thế, dễ khiến khiến trẻ bị kích động. "Một số phụ huynh coi trọng việc cho con học trên mạng nhưng theo tôi học sinh học được nhiều hơn ở sách vở, thư viện. Con tôi từ 0 đến 15 tuổi bị cấm tuyệt đối dùng Internet mà kết quả học tập vẫn bình thường", nữ giảng viên chia sẻ.
Hai chuyên gia giáo dục cùng đề cao việc tăng cường các hoạt động thực tế cho học sinh như: chơi thể thao, khám phá nghệ thuật, làm thiện nguyện, tìm hiểu chính trị... Tham gia tất cả những điều này sẽ khiến trẻ không còn thời gian vào mạng xã hội và thấy cuộc sống thực tế có nhiều màu sắc, ý nghĩa hơn.
Gia đình và nhà trường đồng thời cần giáo dục cho trẻ về các giá trị sống, kỹ năng sống để các em biết tự chủ, tự trọng, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. "Cấm ngay các em sử dụng Facebook là rất khó nhưng các trường nên có nội quy sử dụng mạng xã hội. Mấy năm nay, trường tôi đã áp dụng quy định này, yêu cầu các em ứng xử có văn hóa, không giao tiếp bừa bãi hay làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường", TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng cho biết.
Quỳnh Trang
>>
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét