Buổi chào cờ đầu tuần của trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TP HCM) trở thành sân chơi để học sinh tìm hiểu kiến thức pháp luật. Hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Tư vấn pháp luật do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên (Thành Đoàn TP HCM) và trường Đại học Luật TP HCM tổ chức từ giữa tháng 10.
"A và B là hai nữ sinh có mâu thuẫn từ trước. Giờ ra về, họ hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn. A có hành động đánh đập, giật tóc và xé áo của B làm lộ rõ một phần thân thể. C thấy vậy liền quay clip và tung lên mạng xã hội. Hỏi hành vi của C sẽ bị xử lý tội gì ?", Nguyễn Văn Toại - sinh viên năm tư Đại học Luật TP HCM - đặt câu hỏi cho hơn 1.400 học sinh khối 10 và 11.
Sân trường râm ran tiếng tranh luận của học sinh, cho rằng hành vi đó vi phạm nội quy nhà trường, bị cảnh cáo, báo về phụ huynh. Nhiều cánh tay giơ lên xin trả lời, song đều không trúng. Khi đáp án "Làm nhục người khác" được công bố, nhiều em tỏ vẻ bất ngờ.
"Em nghĩ làm vậy chỉ bị xử lý theo nội quy của nhà trường, bị phạt thôi, chứ không ngờ bị xử lý nặng như vậy", Trọng Tín (lớp 11) chia sẻ.
Còn nữ sinh lớp 10 Thanh Thúy bẽn lẽn: "Cũng may hôm nay em biết quy định này, chứ hồi nào đến giờ có thói quen chia sẻ các clip hay với bạn bè trên Facebook mà không nghĩ đến hậu quả".
Học sinh trường THPT Nguyễn Trung Trực lần lượt mở các ô chữ pháp luật. Ảnh: Mạnh Tùng |
Sau câu hỏi trên, một trong 9 ô chữ - mỗi ô chữ là một từ liên quan đến luật chống bạo lực học đường - được lần giở.
Tiếp đó, anh Toại đọc câu hỏi gợi ý số 8: "Một học sinh thiếu tiền đi chơi, dùng dao bấm đe dọa bạn 'xin đểu' khiến nạn nhân hoảng sợ đưa tiền thì có thể chịu xử lý theo tội gì?". Nhiều cánh tay giơ lên xin trả lời nhưng rất lâu sau mới có em trả lời đúng đáp án là "Cướp tài sản" trong tiếng vỗ tay rất lớn của hàng nghìn học sinh.
"Các hành vi bạo lực học đường như gây gổ, đánh nhau, trấn lột tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác chỉ bị xử lý theo nội quy của nhà trường, đúng hay sai?", gợi ý ô chữ số 3 được đưa ra.
"Sai", Thu Huyền (nữ sinh lớp 11) đáp dứt khoát và giải thích, tùy theo mức độ vi phạm mà người đó có thể phải bồi thường thiệt hại cho người khác, bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị xử phạt hình sự.
Đồng đội của Toại, chị Thanh Hương đặt câu hỏi gợi ý ô chữ số 5: "Đây là một biện pháp xử lý hành chính không được áp dụng với người dưới 16 tuổi phạm tội?".
Rất nhiều cánh tay xung phong, song lần lượt 3 học sinh đều không đưa ra được câu trả lời đúng. Đến lượt Hoàng (học sinh lớp 10) mới đọc trúng đáp án là "Phạt tiền". Thanh Hương giải thích thêm cho học sinh quy định về phạt tiền ở Điều 72 của Bộ luật Hình sự (BLHS).
"Qua trò chơi này em ngộ ra nhiều điều. Những hành vi mình tưởng là đơn giản nhưng pháp luật trừng phạt rất nghiêm", Xuân Nhật chia sẻ sau khi nghe giải thích về một số tội danh trong BLHS.
Một nam sinh khác vỡ lẽ: "Hóa ra, nhiều hành vi bạo lực học đường có thể phải đi tù nếu đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chứ không đơn giản chỉ bị kỷ luật ở trường".
Sinh viên Nguyễn Văn Toại tư vấn pháp luật cho học sinh trường THPT Nguyễn Trung Trực. Ảnh: M.T |
Sau trò chơi ô chữ pháp luật, những sinh viên trường luật tư vấn cho học sinh các ứng xử trong các tình huống bị bạo lực học đường, những hành vi phòng vệ chính đáng và các hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng với nhiều câu chuyện sinh động.
Ngoài hình thức trò chơi ô chữ, chương trình Tư vấn pháp luật còn được thể hiện bằng các phiên tòa giả định, báo cáo chuyên đề kết hợp kịch tình huống... Tình nguyện viên là giảng viên và sinh viên trường Đại học Luật TP HCM sẽ dẫn dắt học sinh với nhiều chủ đề gần gũi như luật hình sự về ma túy, luật nghĩa vụ quân sự, biển đảo, bảo vệ chăm sóc trẻ em...
Mạnh Tùng
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét