Tại hội thảo "Giáo dục giới tính cho trẻ: khi nào là sớm" do chuyên trang Dạy con tổ chức ngày 28/10, Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II (Hải Dương) Nguyễn Khắc Sáng chia sẻ nỗi buồn khi 25 năm làm giáo dục, năm nào cũng chứng kiến học sinh trường mình phải bỏ học vì nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn. Đấy là chưa kể trường hợp giấu, tự đi xử lý. Nguyên nhân là nhận thức về giới tính của học sinh, đặc biệt ở nông thôn rất yếu, vì không được tuyên truyền giáo dục đúng đắn.
Hiệu trưởng trường THPT Kim Thành II (Hải Dương) Nguyễn Khắc Sáng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Biết vậy nhưng tôi rất buồn khi tại trường của tôi quản lý hiện cũng không dạy giáo dục giới tính cho học sinh vì nội dung này nằm ngoài chương trình học phổ thông. Có chăng các thầy chỉ lồng ghép vào môn sinh học, tiết chào cờ… nhưng chẳng thể bài bản, chính xác", thầy Sáng nói và kiến nghị cần xây dựng chương trình giáo dục giới tính xuyên suốt các cấp học.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Nam (giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nguyên Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em Nguyễn Trọng An cho rằng nên giáo dục giới tính cho trẻ từ mẫu giáo. Đây là độ tuổi nhiều nước Bắc Âu, Hà Lan, Mỹ bắt đầu dạy về giới tính cho trẻ.
"Trẻ lên 3 có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy con những khái niệm cơ bản về giới tính ở thời điểm này”, TS Nam nói và phân tích khi trẻ dậy thì, chủ động hỏi bố mẹ là lúc muộn nhất để giáo dục. Bởi giai đoạn này trẻ bị hấp dẫn và có nhu cầu về giới tính, tình dục, theo bản năng. Nếu không được chuẩn bị kiến thức đầy đủ, chính xác từ trước, dễ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.
Chuyên gia tâm lý giáo dục nhấn mạnh, kiến thức về giới tính phải được cung cấp chính xác và khoa học như: mẹ sinh con ra từ bụng hay tử cung chứ không phải ở nách như nhiều phụ huynh vẫn nói. Khi trẻ lớn dần lên, kiến thức về giới tính sẽ được tăng dần mức độ chuyên sâu.
Nội dung giáo dục giới tính phải gồm cả: tình bạn, tình yêu, tình dục, việc nhận biết cơ thể, kỹ năng bảo vệ bản thân, tôn trọng đối phương, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Ở Việt Nam, TS Nam nhận thấy, kiến thức giới tính mới dừng lại ở chỗ giới thiệu bộ phận cơ thể. Bố mẹ, giáo viên khi trao đổi vấn đề này còn ngượng ngùng, né tránh.
TS Nguyễn Thành Nam (giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang. |
Từng học ở Mỹ, TS Nam cho biết, quốc gia này giáo dục giới tính cho trẻ một cách rất thẳng thắn như chiếu hình ảnh người thật để trẻ nhận biết các bộ phận sinh dục. Bằng cách này, trẻ sẽ từ từ xóa bỏ ngại ngùng về giới và đón nhận kiến thức thoải mái. Giáo dục giới tính ở Mỹ không được dạy trong chương trình chính khoá, nhưng mỗi năm các trường đều có trại hè mời bác sĩ về giới thiệu các bộ phận cơ thể; đi tham quan; câu lạc bộ giới tính.
Chuyên gia tâm lý giáo dục này và nguyên Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em Nguyễn Trọng An đều đồng tình gia đình là nhân tố quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, bởi gần gũi với các em nhất. Đây cũng là xu hướng của thế giới khi chuyển dần vai trò giáo dục giới tính cho gia đình, nhà trường chỉ đóng vai trò gợi vấn đề thông qua giao bài tập.
"Ở nước ngoài có 2 chương trình giáo dục giới tính là: làm thế nào để đẩy lùi tuổi quan hệ tình dục sớm và coi việc trì hoãn quan hệ tình dục lần đầu là một lựa chọn. Ngoài ra, còn có thủ dâm, hoặc nếu không tránh được quan hệ thì quan hệ thế nào cho an toàn. Mục tiêu giáo dục nội dung này là đảm bảo chất lượng sống và phòng ngừa các nguy cơ cho con”, TS Nam nói.
Quỳnh Trang
>>
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét