(Chuyên mục giáo dục)Phương pháp giáo dục tại nhà gây tranh cãi ở Anh

No Comments

Đó là một buổi sáng thứ ba ở thành phố Coventry, nước Anh và ba đứa trẻ đang nặn hải cẩu bằng đất sét trên bàn ăn ở nhà. Zephan 4 tuổi, còn khá vụng về, do đó sản phẩm của em trông giống một chiếc máy bay. Noah và Josiah, lần lượt 10 và 13 tuổi, đang cẩn thận nặn từng chiếc chân màng. Một cuốn sách về hải cẩu đang mở sẵn trên ghế sô pha. Hoạt động sáng nay là ý tưởng của Zephan, lấy cảm hứng từ kỳ nghỉ bên bờ biển Pembrokeshire, nơi các cậu bé đã nhìn thấy con hải cẩu.

phuong-phap-giao-duc-tai-nha-gay-tranh-cai-o-anh

Alice Khimasia cùng 4 cậu con trai theo phương pháp giáo dục tại nhà. Ảnh: The Guardian

Trong khi những đứa trẻ khác có lẽ đang bồn chồn bên những chiếc bàn học ở trường, những cậu bé này để một ngày diễn ra với các hoạt động mình thích. Zephan bắt đầu làm một cái hang, Noah chơi xếp hình Lego, Josiah quyết định vẽ tranh.

Phương pháp giáo dục này (gọi là unschooling) là một bước xa hơn cả giáo dục tại nhà kiểu truyền thống (homeschooling), bởi những đứa trẻ tự quyết định những gì chúng sẽ học. Không có chương trình giảng dạy, không cưỡng chế học tập, không kiểm tra. Trẻ thiết lập các hoạt động và tốc độ thực hiện, mục đích là học tập thông qua sinh hoạt.

Đối với Alice Khimasia, mẹ của Zephan, Noah, Josiah và cậu con trai cả 14 tuổi Elias, đây là thuốc giải độc cho hệ thống giáo dục. “Đến năm thứ 3, tôi bắt đầu quan tâm đến biểu hiện của Elias. Thằng bé dường như đánh mất tia lửa trong mắt mình, trông có vẻ ủ rũ, không nhìn người khác, hay lo lắng, bất an”, cô nói.

Khimasia từng cho rằng giáo dục tại nhà rất “kỳ lạ” nhưng cô bắt đầu nghiên cứu về phương pháp này cùng với chồng là Kaushil, một giáo viên dự bị. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào một ngày tháng 1 năm 2010. “Hôm đó là một ngày đẹp trời. Các cậu bé của tôi rất khoan khoái khi thức dậy. Do vậy, tôi gọi điện thông báo rằng chúng sẽ không đến trường, chúng sẽ đùa nghịch trong tuyết. Và chúng tôi đã không trở lại trường”, cô nhớ lại.

phuong-phap-giao-duc-tai-nha-gay-tranh-cai-o-anh-1

Hôm nay, Zephan (4 tuổi) quyết định làm đồ thủ công. Ảnh: The Guardian

Phương pháp học tự điều khiển bởi chính người học đã lan rộng trên thế giới từ khi xuất hiện ở Mỹ những năm 1970. Không có một số liệu chắc chắn về việc có bao nhiêu đứa trẻ được giáo dục tại nhà ở Anh, cũng như không có một quy định pháp lý bắt buộc phụ huynh phải đăng ký cho con học ở trường. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát năm 2015 chỉ ra 36.609 trẻ em được giáo dục tại nhà, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Số lượng trẻ em không được giáo dục theo phương pháp thông thường ngày càng tăng cao. Simon Webb, tác giả cuốn “Giáo dục tại nhà tự chọn” ở Anh cho biết: “Bạn có thể dễ dàng thấy đó là xu hướng khi theo dõi các trang Facebook, nhiều phụ huynh không dạy con theo phương pháp ở trường”. Theo anh, nếu một đứa trẻ thực sự tò mò về thế giới và nhiệt tình học hỏi, nó sẽ khám phá nhiều chủ đề đa dạng và nhận được nhiều kỹ năng sống có giá trị.

Các cậu con trai của Khimasia dành thời gian mỗi ngày để khám phá thế giới. Zephan quan tâm đến Ai Cập cổ đại, Noah thích tìm hiểu chó săn, Josiah thích vẽ còn Elias muốn nghiên cứu về kỹ thuật. Ngoài ra, các em cùng tham gia một lớp làm đồ mỹ nghệ và đi bơi cùng những đứa trẻ giáo dục tại nhà khác. Khimasia nhận thấy phương pháp này đã tạo ra một sự thay đổi trong suy nghĩ. “Tôi giống một người cố vấn, khuyến khích các con có quan điểm riêng để thực hiện các dự án của mình”, cô nói.

Con trai cả của Khimasia, Elias, đứng trong xưởng kỹ thuật của mình ở khu vườn sau nhà, đang mày mò máy phát điện dùng khí hydro vừa chế tạo, như một người đàn ông trẻ tuổi đầy tự tin. Ở tuổi 14, Elias chọn quay lại trường học, tham dự một trường kỹ thuật để thi lấy bằng GCSE (bằng phổ thông ở Anh). Cậu bé tin rằng trong tương lai mình sẽ có một sự nghiệp trong ngành công nghiệp ôtô. Giáo dục tại nhà bằng cách tự điều khiển kế hoạch bản thân giúp cậu có thời gian và không gian theo đuổi đam mê, có thể tự giải quyết các vấn đề. “Giáo viên gọi em là “google về kỹ thuật” vì em đã có kinh nghiệm xây dựng, thiết kế và phát minh ra nhiều thứ”, Elias nói.

phuong-phap-giao-duc-tai-nha-gay-tranh-cai-o-anh-2

Elias (14 tuổi) yêu thích kỹ thuật và muốn làm việc trong ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: The Guardian

Mặt trái của giáo dục tại nhà

Theo một nghiên cứu năm 2013 của giáo sư Peter Gray tại Đại học Boston trên 75 người trưởng thành áp dụng phương pháp giáo dục tự điều khiển tại nhà khi còn bé, phương pháp này thúc đẩy tinh thần trách nhiệm cá nhân, tạo động lực và mong muốn học hỏi, giúp họ tìm được các công việc tốt hơn. Tuy nhiên, có 3 trong số những người tham gia nghiên cứu không hài lòng với phương pháp này, họ bị rối loạn chức năng và cô lập với xã hội.

Mặc dù trách nhiệm pháp luật trong việc giáo dục trẻ em thuộc về phụ huynh, chính quyền địa phương có bổn phận đảm bảo tất cả trẻ em có nền giáo dục thích hợp. Hiệp hội chính quyền địa phương nỗ lực buộc phụ huynh phải đăng ký giáo dục tại nhà và có quyền yêu cầu kiểm tra sự phù hợp trong phương pháp giáo dục. Nhưng một số người phản ánh chính quyền địa phương lạm quyền.

Lewis James, 26 tuổi, đến từ Rotherham, rời trường học ở tuổi 11. Anh mô tả nền giáo dục tại nhà của mình là “không được giáo dục”, mặc dù hàng năm đều có thanh tra chính quyền địa phương tới thăm và xác nhận đã được giáo dục phù hợp. “Thực tế, tôi đã không làm gì cả, chủ yếu là vẽ và nặn đất sét. Mẹ tôi bào chữa rằng tôi sẽ chịu nhiều căng thẳng nếu làm việc gì đó”, anh nói.

Ở tuổi 16, không bằng cấp, không kinh nghiệm làm việc, Lewis cố tìm một công việc nhưng không thể. 17 tuổi, anh đến trường đại học để ốp gạch lên tường, sàn nhà, lau chùi như một lao công. Sau đó, anh tiếp cận tổ chức từ thiện Prince’s Trust, từ đó được trợ cấp để thành lập công việc kinh doanh riêng với tư cách một họa sĩ minh họa. Năm 2015, anh trở thành đại sứ trẻ, kể lại câu chuyện làm doanh nhân của mình.

Julie Coles Bunker, đến từ Bromsgrove, Worcestershire, bà mẹ của 3 đứa trẻ 13, 11 và 8 tuổi cũng chọn giáo dục ở nhà. “Các con tôi không vui khi đến trường, trường học không thể đáp ứng nhu cầu của chúng. Chúng cũng không muốn bị xâm lược quyền riêng tư, bị phỏng vấn bởi chính quyền, do đó chúng cung cấp thông tin cho họ bằng văn bản”.

Tiến sĩ Helen Lees, giảng viên cao cấp trong nghiên cứu giáo dục tại Đại học Newman, Birmingham, nhận ra rằng một số gia đình khó chịu với sự can thiệp của chính quyền, nhưng ông cảm thấy cần sửa đổi chế độ kiểm tra để bảo đảm lợi ích cho phụ huynh và những đứa trẻ. 

Phiêu Linh (theo The Guardian)

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét