Nhà vệ sinh 600 triệu đồng tại trường tiểu học Giai Xuân 3, huyện Phong Điền. Ảnh: Cửu Long |
Hơn một năm trước, trường tiểu học Giai Xuân 3 ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được đưa vào sử dụng, hiện có hơn 170 học sinh và 22 giáo viên. Nhà vệ sinh của trường nằm phía trái của dãy nhà học 2 tầng, rộng khoảng 50 m2 (diện tích xây dựng 48 m2), được xây có kinh phí hơn 600 triệu đồng.
Khu dành cho giáo viên có 6 phòng tiêu, 3 bồn tiểu, 2 chậu rửa tay, một bể chứa nước chung. Khu học sinh có 7 phòng tiêu, 4 bồn rửa tay, một máng tiểu chung dành cho nam và bồn rửa tay tập thể. Các phòng vệ sinh rộng 2 m2, tường được ốp gạch men cao 2 m.
Một cán bộ ngành giáo dục ở Cần Thơ cho biết, theo quy chuẩn chung, để đạt chuẩn quốc gia, nhà vệ sinh cho trường do huyện quản lý có mức đầu tư tối đa 5 triệu đồng một m2, gồm cả thiết bị lắp đặt. "Việc làm nhà vệ sinh trường tiểu học phục vụ chưa tới 200 người mà kinh phí lớn như thế là quá cao", cán bộ này nói.
"Trường có nhà vệ sinh nhưng không đạt chuẩn quốc gia nên cấp trên yêu cầu xây lại. Khi bị kiểm tra vẫn chưa đạt nữa, trường mới lại hết, nâng lên cao ráo", thầy Châu Thạch Lo - Hiệu trưởng trường nói và cho biết khu vệ sinh của giáo viên thì xây mới hoàn toàn, còn khu dành cho học sinh chỉ tận dụng hầm tự hoại cũ.
Theo thầy Lo, việc thiết kế, xây dựng, hợp đồng… do Phòng Giáo dục quyết định và làm chủ đầu tư, chứ trường không can thiệp. "Trường cũng không có giám sát cộng đồng, chỉ ký trả tiền cho đơn vị thi công thôi. Kinh phí do UBND huyện cấp cho phòng, rồi nơi đây chuyển xuống trường để trả cho nhà thầu", ông Lo cho biết và cho rằng phải làm lại hai lần nên kinh phí mới cao.
Bồn rửa tay lắp đặt trong nhà vệ sinh trị giá 700 triệu đồng. Ảnh: Cửu Long |
Trường mầm non 130 bé làm sân khấu nửa tỷ đồng
Cũng tại huyện nông thôn mới Phong Điền, đầu năm nay, trường mầm non Trường Phú (có 130 bé đang theo học) được đầu tư gần 470 triệu đồng để xây dựng sân khấu quy mô chưa tới 30 m2. Nền sân khấu cao khoảng 0,6 m, được lát gạch men, mái che hình vòm, lợp tôn, gắn với 4 trụ (cao khoảng 3 m) và khung sườn đều bằng sắt theo kiểu nhà tiền chế.
Cùng thời gian này, trường cũng được ưu tiên đầu tư dự án khác là nâng cấp mái che và hệ thống cấp nước trị giá 185 triệu đồng. Thực tế phần mái che được lợp nối với mái hiên của trường, ngang khoảng 2 m, dài chưa đầy 20 m. Hệ thống cấp nước gồm: môtơ bơm nước, bồn nước khoảng 1,5 m3 và ống dẫn.
Theo lãnh đạo nhà trường, tháng 8/2014, trường được xây dựng xong và đưa vào hoạt động. Đến cuối năm 2015, trường có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa nên đề nghị Phòng Giáo dục xin làm mái che, hệ thống cấp nước là nhà sân khấu. Mọi thứ đều do Phòng Giáo dục quyết, hiệu trưởng trường chỉ việc ký và chuyển tiền cho nhà thầu, từ nguồn tiền của Phòng Giáo dục chuyển về.
Ông Nguyễn Bá Tòng - Phó phòng Giáo dục huyện Phong Điền, phụ trách lĩnh vực cơ sở hạ tầng khẳng định, gần 700 triệu đồng phục vụ việc xây mới sân khấu và mái che cho trường mầm non Trường Phú là không thuộc diện đầu tư. Ngôi trường này đã đạt chuẩn quốc gia hồi năm 2015.
Sân khấu tiền chế trị giá gần nửa tỷ đồng ở Trường mầm non có 130 bé đang theo học. Ảnh: Cửu Long |
"Nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2016 của huyện được phân bổ hơn 11 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia, hoặc tái công nhận và thuộc diện bức xúc nhất. Trong khi đó, việc đầu tư hai dự án trên cho trường mầm non Trường Phú là làm mới hoàn toàn, không phải là nhu cầu bức thiết", ông Tòng nói.
Cũng từ nguồn kinh phí 11 tỷ đồng, hàng loạt trường học (THCS trở xuống) ở huyện Phong Điền được đầu tư nâng cấp sửa chữa với kinh phí lớn nhưng không thông qua đấu thầu. Cụ thể, trong vòng một tháng, trường THCS Tân Thới được đầu tư 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên được chia làm 3 gói và chủ đầu tư do Phòng Giáo dục chỉ định thầu. Trường tiểu học Lộ Vòng Cung được đầu tư 1,9 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa, chia thành 5 gói thầu trong hai tháng…
Hầu hết các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí này đều do 3 doanh nghiệp có cùng một địa chỉ ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ đảm nhiệm việc thi công, tư vấn thiết kế…
"Trong vụ việc này, đối với trách nhiệm của ngành thì mọi việc đều do người trưởng phòng tiền nhiệm (vừa về hưu) chỉ đạo và chỉ định thầu thực hiện. Tôi không được tham gia bàn bạc và cũng không được báo cáo cụ thể", ông Tòng nói và cho biết hiện Phòng giáo dục huyện Phong Điền vẫn chưa có thủ trưởng mới.
Ngày 30/9, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, làm rõ các công trình xây dựng giáo dục trên địa bàn huyện Phong Điền, trong đó có công trình xây dựng nhà vệ sinh hơn 600 triệu đồng tại Trường tiểu học Giai Xuân 3.
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra trình tự, thủ tục đầu tư; thu hồi đất, tái định cư... Xác định rõ những công việc thực hiện đúng, chưa đúng với quy định và biện pháp xử lý. Kết quả kiểm tra phải được báo cáo trước ngày 15/10.
Cửu Long
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét