(Chuyên mục giáo dục)Học sinh lớp 6 không biết viết được phê 'viết sai chính tả'

No Comments

Kết quả học tập của em Lâm Sơn Vũ - học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 - trong suốt 5 năm tại trường Lý Đạo Thành (TP Sóc Trăng) thể hiện, năm lớp 1, học kỳ I, môn Đọc đạt 5 điểm, Viết 1; cuối năm môn Đọc 5, Viết 7. Năm lớp 2, học kỳ I, môn Đọc 4 điểm, Viết 1 điểm; cuối năm thì cả hai môn này đều đạt 5 điểm.

hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-bi-phe-viet-sai-chinh-ta

Trường tiểu học Lý Đạo Thành, nơi em Vũ không biết đọc, viết dù đã hoàn thành chương trình học. Ảnh: Phúc Hưng

Riêng năm lớp 5, kết quả cuối năm, Vũ đạt môn Tiếng Việt 5 điểm, Toán 6, Khoa Học 6, Lịch Sử - Địa Lý 6, Tiếng Anh 7. Trong sổ theo dõi, em được giáo viên chủ nhiệm phê: "Đọc chậm, đọc còn nhỏ, cần rèn luyện thêm. Viết chính tả còn sai nhiều lỗi, cần phải rèn chữ viết thêm, hay thực hiện các phép tính còn chậm...".

Với kết quả đạt được, Vũ được tuyển vào trường THCS trên địa bàn TP Sóc Trăng trong năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên khi kiểm tra chất lượng đầu năm, giáo viên phát hiện em chưa biết đọc, viết nên trả về trường cũ học lại chương trình lớp 1.

Trả lời câu hỏi suốt 5 năm qua em học gì ở trường?, Vũ cho biết em vẫn đến trường đều đặn, còn khi thi thì được bạn bè, thầy cô chỉ làm bài và cho điểm. "Em không đọc, viết được mà vẫn được thầy cô cho điểm đều đều", Vũ nói vô tư.

"Chúng tôi đều mù chữ nên khi gửi con vào trường cho thầy cô giáo dạy bảo, người nhà rất an tâm. Hàng năm thấy con được lên lớp chúng tôi rất mừng", chị Tô Thị Quỳnh Giao - mẹ của Vũ nói và cho biết vì mặc cảm với bạn bè khi bị trả về trường cũ nên em không chịu đến trường.

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Lý Đạo Thành cho biết, trong năm học vừa qua, trường đào tạo cho hơn 900 học sinh, con đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 50%. 

"Vũ cũng là con đồng bào dân tộc, gia đình khó khăn và thiếu quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc dạy bảo em", cô Hạnh nói và cho biết từ lớp 1 đến lớp 5, theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm qua sổ theo dõi, tuy sức học của Vũ có yếu ở học kỳ I, nhưng đến cuối năm em đạt trung bình, đủ điểm lên lớp.

hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-bi-phe-viet-sai-chinh-ta-1

Không biết đọc, viết nhưng cuối năm lớp 5, Vũ được giáo viên chủ nhiệm cho lên lớp. Ảnh: Phúc Hưng

Nữ hiệu trưởng cho biết rất bất ngờ khi được đồng nghiệp trường THCS thông báo em chưa biết đọc, viết. "Hướng xử lý của trường sẽ không cho Vũ học lại lớp 1, mà chỉ phân công giáo viên bồi dưỡng kiến thức đọc riêng cho em, vì khi đọc được thì sẽ viết được chữ. Chúng tôi đang vận động gia đình đưa cháu đến trường", cô Hạnh nói và cho biết sẽ rà soát lại việc dạy học tại trường.

Trường tiểu học Lý Đạo Thành được công nhân đạt chuẩn quốc gia năm 2013. Lãnh đạo trưởng cho biết, theo tiêu chí, hàng năm số học sinh lưu ban không quá 5%, và trong năm học 2015 - 2016 trường chỉ có 22 em thuộc diện lưu ban trên tổng số hơn 900 em, đảm bảo chỉ tiêu. 

Tại trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng), cô Khương Thị Thoa, hiệu trưởng cho biết, hiện trường có 8 em đọc chữ còn rất chậm, nhưng giải thích rằng số học sinh này là lưu ban, và trường đang có kế hoạch dạy phụ đạo thêm kiến thức đọc riêng cho các em.

"Năm học lớp 2, 8 học sinh này được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đủ điều kiện lên lớp 3, nhưng có thể do nghỉ 3 tháng hè nên các em bị quên kiến thức", cô Thoa nói.

Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hồng Phong cho rằng trường không tạo một áp lực nào cho giáo viên về việc chạy thành tích trường đạt chuẩn, mà phải đánh giá đúng năng lực mới cho học sinh lên lớp. "Trường đạt chuẩn năm 2015, chỉ tiêu đào tạo đạt 90%, chỉ tiêu lên lớp 94% nên hoàn toàn không có áp lực", cô Thoa khẳng định.

Một số giáo viên cho biết, việc giao chỉ tiêu và áp lực của trường chuẩn quốc gia là rất lớn. "Phía trường chịu áp lực từ Phòng Giáo dục, giáo viên thì chịu áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua. Có nơi còn quy định nếu lớp nào có học sinh yếu thì giáo viên tự bồi dưỡng để các em đạt học lực trung bình. Vì thế, nhiều giáo viên cho 'điểm khống' để khỏi mất công và được khen nữa", một giáo viên chia sẻ.

Em Võ Văn Hóa là một trong tám học sinh của trường Tiểu học Lê Hồng Phong khó khăn với từng con chữ. Ảnh: Phúc Hưng

Em Võ Văn Hóa là một trong tám học sinh lớp 3 của trường tiểu học Lê Hồng Phong khó khăn với từng con chữ. Ảnh: Phúc Hưng

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đạo tạo kiểm tra báo cáo của trường có học sinh không biết đọc, viết. "Hiện ngành chức năng đang làm rõ việc này, và sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm các trường để xảy trường hợp trên", ông Chuyện nói.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn học sinh khối tiểu học chưa biết đọc, viết. Đồng thời cho rằng đây là sai sót lớn cần được chấn chỉnh sớm.

Phúc Hưng

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét