(Chuyên mục giáo dục)Đề minh họa môn Toán dài, khó phân loại học sinh giỏi

No Comments

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận xét cấu trúc đề minh họa môn Toán gồm: Hàm số 11 câu; hình học không gian 6 câu; khối tròn xoay 3 câu; hình Oxyz 8 câu; nguyên hàm, tích phân 7 câu; số phức 6 câu; mũ và logarit 9 câu. Đề có kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, phủ hết nội dung, dạng bài tập trong sách giáo khoa. Đây là điều chưa từng có trong các đề thi trước. Sự thay đổi này phần nào tránh được học lệch, học tủ.

Sự xuất hiện của câu hỏi có tính tích hợp liên môn (câu hỏi liên quan đến chuyển động chậm dần đều của Vật lý) là một tín hiệu đáng mừng, có thể giúp việc học tích hợp được quan tâm hơn, tránh tình trạng hình thức.

Điểm thú vị của đề minh họa là có câu hỏi vận dụng thực tế như: thể tích đồ vật, tính lãi suất, làm tăng tính ứng dụng của môn Toán. "Tuy nhiên, số câu hỏi thực tế chỉ 2 câu và còn gượng ép. So với mức độ và yêu cầu của câu hỏi như chuẩn PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) thì chúng ta còn cách một khoảng rất xa", giáo viên môn Toán này nhận xét.

de-minh-hoa-mon-toan-dai-kho-phan-loai-hoc-sinh-gioi

Giáo viên Trần Mạnh Tùng hướng dẫn học sinh lớp 12 trường Lương Thế Vinh "xử lý" câu hỏi trắc nghiệm môn Toán bằng máy tính. Ảnh: NVCC.

Nhược điểm của đề minh họa, theo giáo viên Tùng, là dài và tính toán nhiều. Làm bài trong 90 phút như thí sinh, thầy Tùng thấy rằng, khoảng 10 câu ra đáp án nhanh, còn lại phải mất thời gian tính toán, đặc biệt 6 câu hình học không gian chỉ vẽ hình cũng mất đến 2 phút, tính toán xong có thể mất 5-6 phút. Nhiều câu tính rất phức tạp, như bài về khối tròn xoay, bài mặt phẳng cách đều 4 điểm.

"Với đề này, dù nắm vững kiến thức cơ bản nhưng tâm lý không vững, kỹ năng tính toán không tốt, thí sinh rất dễ thiếu thời gian, mất tinh thần", thầy Tùng nói. 

Với kết câu câu hỏi ở 4 mức độ: nhận biết (35 câu = 7 điểm), thông hiểu (5 câu = 1 điểm), vận dụng (1 điểm) và vận dụng cao (1 điểm), giáo viên Tùng cho rằng, đề minh họa khá an toàn, tạo điều kiện cho học sinh trung bình đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, để chọn được thí sinh có chất lượng vào đại học, đề cần điều chỉnh để có các câu hỏi "chất" hơn.

Một giáo viên Toán trường THPT chuyên có tiếng tại Hà Nội cũng cho rằng, đề minh họa khá cơ bản, phù hợp với thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để phân loại học sinh giỏi, đề minh họa chưa làm được. "Các thầy cô ở bộ môn Toán trường tôi lo lắng khi đọc đề minh họa bởi khả năng phân loại học sinh top trên ít. Nhóm đại học top đầu sẽ khó xét tuyển được học sinh chất lượng", giáo viên này nói.

Nhiều học sinh lớp 12 ở Hà Nội nhận xét đề thi dài, kiến thức phủ rộng chương trình lớp 12. Nhiều em lo ngại không đủ thời gian để nắm vững tất cả kiến thức chuẩn, nắm thêm một số kiến thức liên môn, ứng dụng thực tiễn, cũng như rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Nhận xét về khả năng phân loại của đề thi, Thu Hương (lớp 12T4, THPT Thăng Long, Hà Nội) cho rằng có khoảng 20 câu ở mức hơi khó, còn lại đều là kiến thức cơ bản. Ngọc Hà (12D0 THPT Lương Thế Vinh) đánh giá nhiều học sinh dễ dàng lấy 6-7 điểm ở đề thi không nhiều câu khó hay đòi hỏi tư duy này. 

Đang trong tâm lý hoang mang vì phương thức thi THPT quốc gia thay đổi, việc xuất hiện đề minh họa khiến nhiều học sinh cảm thấy yên tâm hơn. "Nhìn vào đề, cả thầy và trò chúng em sẽ có cái nhìn bao quát nhất về nội dung, dạng bài sẽ thi, biết có thêm câu hỏi thực tế... để tập trung ôn tập và đề ra chiến lược phù hợp. Với đề thi có có tính đa dạng cao như đề minh họa, học sinh cũng phải học rộng, nắm chắc bản chất vấn đề hay học kỹ công thức mới làm được", Gia Khánh nói.

Quỳnh Trang - Hoàng Phương

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét