TIN LIÊN QUAN | |
Hoa hậu Kim Nguyễn lộng lẫy trong show thời trang của NTK Hoàng Hải | |
Noo Phước Thịnh cuốn hút với gu thời trang khỏe khoắn |
Không đơn thuần chỉ làm công việc giặt ủi, cất giữ, phân phát trang phục nhân vật theo từng phân đoạn cảnh quay cho diễn viên, chuyên viên phục trang còn phải biết làm những công việc của “stylist” (người tạo dựng hình ảnh) trong đoàn phim, cố giữ đúng rắc-co (raccord) theo đường dây kịch bản và nhiều việc không tên khác.
Nhân vật nào, phục trang đó
Theo chị Thanh Hường - còn gọi là Elly Hường, vào nghề đã hơn chục năm; tham gia nhiều phim: “Thiên mệnh anh hùng”, “Bí mật bị mất”, “Chiếc giày Lọ Lem”, “Cầu vồng sau mưa”, “Cô gái xấu xí”… - làm chuyên viên phục trang cực nhưng vui.
Minh Hùng (bìa trái) tác nghiệp tại trường quay Ảnh: PHẠM THIẾT MẪN |
“Khi nhận kịch bản, với thể loại xã hội hiện đại, tôi đọc kỹ, lọc ra các nhân vật và từng thời kỳ họ trải qua trong suốt phim, lên ý tưởng nhân vật A nên mặc gì, B mặc gì rồi gọi điện yêu cầu các diễn viên mang trang phục phù hợp vai diễn. Đến ngày định trang, diễn viên mặc trang phục đó đến và đạo diễn xem. Nếu đạo diễn đồng ý, tôi lưu giữ và bảo quản trang phục rắc-co của diễn viên. Với những trang phục đặc biệt như quân phục, cảnh phục… thì phải đi thuê” - Thanh Hường cho biết.
Với những dạng phim xưa, phim cổ trang, công việc của chuyên viên phục trang khó hơn nhiều. Nhà thiết kế sẽ phác thảo mẫu trang phục của người xưa rồi chuyên viên phục trang lấy số đo của diễn viên đưa đến nhà may. Đôi lúc, nhà sản xuất chỉ cung cấp cố vấn thời trang, chuyên viên phục trang phải tự phác thảo kiểu trang phục phù hợp cho nhân vật... Nhân vật càng cá tính đòi hỏi việc phác họa trang phục phải nhạy bén và tinh tế. Nhân vật là cô gái nết na, thùy mị, chất phác thôn quê thì trang phục không thể hở hang, diêm dúa. Ngược lại, nhân vật là cô gái ăn chơi, phóng túng thì đòi hỏi trang phục phải phù hợp với tính cách ấy. Làm phục trang cũng phải hiểu văn hóa vùng miền; hiểu nết ăn, nết mặc của con người vùng miền đó theo từng giới tính, tuổi tác khác nhau để chọn, tư vấn trang phục cho đúng.
Chị Ngọc Thảo - từng làm phục trang cho hơn 20 phim truyền hình như “Cổng mặt trời”, “Lý bông mai”, “Kẻ thù phụ nữ”... - cho biết nhóm phục trang phim truyền hình thường có 2 người, một chính và một phụ; còn phim điện ảnh thường đòi hỏi cao hơn nên nhân viên nhiều hơn. Theo anh Minh Hùng - thường gọi là Thịnh, hơn 20 năm trong nghề; từng làm các phim: “Mười”, “Võ lâm truyền kỳ”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Cô dâu đại chiến” phần 2, “Scandal”, “Mùi ngò gai”, “Âm tính”, “Lối sống sai lầm”… - có những phim nhiều đại cảnh thì phải 3-5 nhân viên phục trang mới làm xuể công việc. Phim “Thiên mệnh anh hùng” quy tụ đến 6 nhân viên phục trang, mỗi người lo một nhóm diễn viên, chia công việc cho nhau để làm.
Nghề nào cũng có áp lực riêng và chuyên viên phục trang cũng thế. Họ phải nhanh trí giải quyết những tình huống phát sinh “dở khóc dở cười”. Minh Hùng kể có phim quay nhiều đại cảnh, sử dụng 500-600 diễn viên quần chúng, thực hiện nhiều ngày nên nhân viên phục trang giao luôn trang phục cho diễn viên tự bảo quản. Đến lúc thu gom lại, anh chỉ nhận được khoảng một nửa.
Đúng nguyên tắc, nhân viên phục trang chịu trách nhiệm giữ trang phục của diễn viên. Song, đôi lúc diễn viên phải chạy sô nhiều phim, trang phục phải mang sang quay ở phim khác, họ đề nghị được tự bảo quản trang phục của mình nhưng rồi lại quên. Một số diễn viên lấy lý do trang phục đắt tiền, muốn tự bảo quản nhưng đến lúc cần lại quên, gây rắc rối cho nhân viên phục trang.
“Tôi thấy áp lực nhất là khi diễn viên không hợp tác với mình. Mình tư vấn trang phục cho nhân vật họ đóng nhưng họ không chịu nghe theo. Chúng tôi đề nghị diễn viên tự phối, họ cũng không đồng ý. Đến lúc quay, họ đổ thừa là bộ phận phục trang chưa lo trang phục cho họ” - chị Ngọc Thảo nhớ lại.
Thù lao chỉ đủ sống
Theo chị Thanh Hường, chuyên viên phục trang thu nhập thấp, người làm nghề phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống. Thời trẻ trung hơn cái tuổi 37-38 hiện nay, chị có lúc nhận 3 phim cùng thời điểm nên thu nhập tốt. Với mức thù lao 1,8 triệu đồng/tập, chị trả 500.000-600.000 đồng cho nhân viên phụ, số tiền còn lại cũng đủ sống.
Hiện nay, lớp trẻ vào nghề này khá nhiều. Họ cần mưu sinh nên mức giá nào cũng nhận, đôi lúc “phá giá”. “Với người còn độc thân, thu nhập từ nghề này nếu tiết kiệm sẽ đủ nhưng ai có gia đình và nhất là thêm một đứa con thì chẳng thể nào ổn. Tôi hiện tập trung kinh doanh tại nhà, khi nào có kịch bản phim tốt, thấy mình được quyền sáng tạo trong nghề mới nhận. Làm vì yêu thích hơn là mưu sinh nên tôi chọn lọc kỹ” - Thanh Hường bộc bạch.
Minh Hùng cũng cho biết anh sống được với nghề chuyên viên phục trang. Một năm chỉ cần làm khoảng 2 phim là đủ chi tiêu cho bản thân trong thời gian chờ nhận phim khác. Trong khi đó, Ngọc Thảo khẳng định nếu tiết kiệm, tiền lương của chị sẽ đủ sống. “Một năm thường tôi làm 3 phim, nếu bận việc gia đình thì chỉ làm 2 phim. Nghề này tuy cực nhưng nhiều thú vị, lúc ở nhà lại thấy nhớ trường quay” - Ngọc Thảo tâm sự.
Trăn trở với nghề Chị Thanh Hường cho biết trước đây, chuyên viên phục trang có chính kiến, đưa ra lời khuyên, tư vấn trang phục cho diễn viên. Nhưng hiện nay, những chính kiến, lời khuyên của họ ít được diễn viên nghe theo. Một số diễn viên vẫn nghĩ rằng chuyên viên phục trang là người phục vụ họ chứ không phải cộng sự, cùng hợp tác để mang đến hình ảnh đẹp cho khán giả. “Mỗi khi làm việc với đạo diễn nào mà họ góp ý, đưa ra nhận định về trang phục diễn viên đang mặc, tôi thấy vui bởi nghề mình được tôn trọng, quan tâm. Hy vọng sẽ có nhiều hơn sự quan tâm này để nghề phục trang dần chuyên nghiệp hơn” - chị thổ lộ. |
Theo Minh Khuê (NLĐ)
Have a good day nhé các bạn!
0 nhận xét
Đăng nhận xét