(Thông tin về giáo dục)Bừng sáng ký ức Trường Miền, Căn cứ Nước Trong

No Comments

Có thể nói đây là cuộc hội ngộ lịch sử, bởi lần đầu tiên sau nhiều năm, những anh hùng, dũng sĩ trưởng thành từ Trường Quân chính sơ cấp Quân Giải phóng miền Nam (thường gọi là Trường Miền)-tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2-trên khắp cả nước mới có cơ hội gặp lại đồng đội cũ, trong đó rất nhiều người đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Những thế hệ lãnh đạo của trường có nhiều năm gắn bó với mái trường sau ngày đất nước thống nhất, được chứng kiến những đổi thay, vươn lên mạnh mẽ của nhà trường nơi Căn cứ Nước Trong trước đây, rất tự hào, xúc động. Người cao tuổi nhất là Đại tá Trần Thông, nguyên Phó chính ủy nhà trường, nay đã 96 tuổi. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng, nay cũng đã 90 tuổi. Nhiều cán bộ, giáo viên, học viên của trường ở tuổi tám mươi như: Thiếu tướng Hoàng Lê, nguyên Phó hiệu trưởng; Đại tá Nguyễn Đình Trương, nguyên Phó hiệu trưởng; Trung tướng Nguyễn Hồng Minh, học viên cũ của Trường Miền, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 4; Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo; đồng chí Võ Thị Mô, nguyên cán bộ Trường Miền, từng là Dũng sĩ diệt Mỹ…, trong đó có người đang mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều người hoàn cảnh gia đình khó khăn, vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt huyết một thời tuổi trẻ.

Dấu ấn về mái trường không chỉ là những năm tháng vừa dạy-học, vừa chiến đấu, mà còn là những vết thương mang trên mình, mỗi khi trái gió trở trời lại đau buốt từng cơn. Chị Mười Chưởng, Đại đội trưởng lớp học viên nữ đầu tiên; anh Ba Tiến, nguyên là Tiểu đoàn trưởng; anh Lê Văn Nên, dũng sĩ bắn rơi máy bay Mỹ... là những anh, chị tham gia đặt nền móng xây dựng nhà trường trong những năm tháng đầy gian khổ, ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

cac-tuong-linh-cuu-chien-binh-hoi-ngo-si-quan-tre-duoi-mai-truong-si-quan-luc-quan-2-anh-phan-tung-son
Các tướng lĩnh, cựu chiến binh hội ngộ sĩ quan trẻ dưới mái trường Sĩ quan Lục quân 2. Ảnh: PHAN TÙNG SƠN

 

Từ Trường Miền đến Trường Sĩ quan Lục quân 2 là sự tiếp nối giữa các thế hệ làm nên truyền thống vẻ vang của một nhà trường anh hùng. Những ký ức của một thời thầy trò tay bút, tay súng được tái hiện sống động trong nụ cười xen lẫn nước mắt. Có những lúc đang học tập, phải chuyển sang chiến đấu đánh địch tấn công vào căn cứ; có thời gian dài phải dừng hẳn nhiệm vụ huấn luyện chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu; có ngày máy bay Mỹ ba lần ném bom vào trường... Một trong những ký ức đau buồn nhất là trận bom B-52 của Mỹ ném vào căn cứ của trường ngày 6-1-1966, làm cả 4 đồng chí trong Ban giám hiệu và nhiều cán bộ, giáo viên, học viên của trường hy sinh.

Thời ấy, Trường Miền, tuy cuộc sống kham khổ, lại thêm rừng thiêng nước độc, sốt rét ác tính hoành hành, nhưng thầy trò vẫn miệt mài học tập, rèn luyện, chung một ý chí, niềm tin sắt son về ngày chiến thắng sẽ chung sức, chung lòng xây dựng mái trường to đẹp, khang trang hơn…

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà trường thay đổi nhiều địa điểm đứng chân tạm thời và cuối cùng được giao nhiệm vụ về tiếp quản căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Căn cứ Nước Trong, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong những năm tháng chiến tranh, Căn cứ Nước Trong là tuyến phòng thủ được địch tự hào là “bất khả xâm phạm”. Ngoài lực lượng đông đảo, vũ khí tối tân, xung quanh căn cứ này địch bố trí dày đặc các bãi mìn và trồng cỏ Mỹ, thả rắn độc hòng ngăn chặn lực lượng Quân Giải phóng tập kích. Khi tiếp quản, khu vực này là những trảng cỏ khô cháy và rừng cây xơ xác bởi bom đạn. Trong lòng đất còn sót lại rất nhiều mìn, đạn bom và rắn độc. Đó là một thách thức mà hệ lụy của nó vẫn tiếp tục lấy đi xương máu của nhiều cán bộ, giáo viên, học viên trong lúc huấn luyện. Dưới mái trường gồm những dãy nhà lợp tôn thấp lè tè được địch sử dụng làm nhà kho trước đây, mùa khô nắng cháy, mùa mưa nước ngập, cỏ Mỹ mọc um tùm cao quá đầu người, thầy trò vẫn nỗ lực vượt khó để tổ chức dạy và học, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Trước con đường dẫn vào cổng trường lúc đó chỉ có thưa thớt vài chục nhà dân nhưng lại dày nghĩa trang. Để tiến công giải phóng Căn cứ Nước Trong trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 và bộ đội địa phương đã anh dũng ngã xuống trước ngày đất nước thống nhất. Sự hy sinh của các anh đã hóa thành ngọn lửa truyền thống, tiếp sức cho thầy trò Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 1981, nhà trường đã tổ chức quy tập 46 hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 304 về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Biên Hòa.

Làm nhiệm vụ giáo dục-đào tạo trong thời bình, nhưng những di chứng từ chiến tranh vẫn còn hiển hiện đối với các thế hệ thầy và trò nhà trường. Nhiều con cháu của các cựu chiến binh phải chịu hậu quả chiến tranh nặng nề, mắc những dị tật, căn bệnh nan y. Gian khổ, hy sinh nối tiếp nhau, nhưng vượt lên tất cả, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành tốt công tác giáo dục-đào tạo. Thập niên 90 của thế kỷ 20, nhà trường phải đi khắp nơi liên hệ, nhờ sự giúp đỡ của nhiều học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để gửi cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nâng cấp trường lên đào tạo sĩ quan bậc đại học.

Trở lại mái trường xưa, chứng kiến nhà trường có nền nếp chính quy tốt, kỷ luật nghiêm, có đời sống vật chất, tinh thần tốt, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, diện mạo đã khác hẳn 10-15 năm trước đây, ai cũng vui mừng, phấn chấn. Những mái đầu bạc, tấm lưng còng hòa cùng màu quân phục mới, cùng hát vang ca khúc “Hành khúc Trường Sĩ quan Lục quân 2” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng mà lòng bồi hồi, rạo rực: Từ nhà trường ra đến chiến trường là con đường Trường Lục quân 2 ta xây đắp. Bao nhiêu năm qua, ta chiến đấu không ngừng, bao dũng sĩ anh hùng từ mái trường này ra đi. Nhớ ngày xưa, trường chúng ta giữa rừng xanh lợp tranh tre lá. Nhớ tháng năm cơm muối rau rừng, vẫn góp công chiến thắng vang lừng, nhớ bao người đồng chí đã đi xa...

Thiếu tướng NGUYỄN VIẾT KHAI, Nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2

qdnd.vn

Have a good day nhé các bạn!

0 nhận xét

Đăng nhận xét