Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Dệt Long An đã kéo dài từ năm 2013 đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Trong đó có 2 bản án gồm sơ thẩm và phúc thẩm, 4 bản án còn lại được TAND huyện Thủ Thừa và TAND tỉnh Long An chia đều cho nhau và “ém” luôn đương sự. Một vụ án và nhiều điều lạ kỳ đã và đang xảy ra tại tỉnh Long An.
Sửa bản án không cần qua xét xử
Trước đó ngày 16/5/2013 TAND huyện Thủ Thừa đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Dệt Long An. Sau phiên xử, Techcombank thắng kiện, còn bị đơn dệt Long An liền làm đơn kháng cáo vì quá trình xét xử không công bằng.
Đến tháng 10/2013, TAND tỉnh Long An tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Techcombank và Dệt Long An. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Techcombank đối với Dệt Long An.
Dệt Long An và những ngày đen tối: Vụ án kỳ lạ! |
Phiên tòa phúc thẩm này một lần nữa buộc Dệt Long An phải trả cho Techcombank số tiền gần 130 tỷ đồng. Nếu Dệt Long An không trả tiền thì Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi các tài sản đã thế chấp.
Điều lạ đáng nói đầu tiên ở đây là cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã kê biên quyền sử dụng đất tại số 20/4 Kỳ Đồng, P.9, Q.3, TP.HCM của Dệt Long An. Ấy vậy, nhưng tòa chỉ kê biên đất “mà quên” kê biên nhà trên phần đất đó.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dệt Long An liền làm đơn khiếu nại khi bị THA tỉnh Long An làm sai. Căn nhà tại số 20/4 Kỳ Đồng và tài sản trên thửa đất sở hữu công trình số HSG.110 do UBND tỉnh Long An cấp ngày 7/11/2008 vẫn bị ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An ra quyết định THA.
Thấy mình bị “lố” và “lấp liếm” cái sai, ngày 10/6/2013, ông Nguyễn Văn Đức, thẩm phán TAND huyện Thủ Thừa ra thông báo đính chính, bổ sung, đưa căn nhà 20/4 Kỳ Đồng vào bản án do TAND huyện Thủ Thừa đã xử. Điều kỳ lạ là việc bổ sung bản án này diễn ra sau khi THA đã tiến hành kê biên. Phải chăng Cục THA dân sự tỉnh Long An đã “mách nước” để cho TAND huyện Thủ Thừa “lách luật” bổ sung bản án.
Không chỉ có TAND huyện Thủ Thừa và đến ngày 2/12/2013 ông Trần Văn Quán, thẩm phán TAND tỉnh Long An cũng ra thông báo bổ sung căn nhà tại số 20/4 Kỳ Đồng vào bản án đã tuyên trước đó: “Nay đính chính bổ sung như sau: Trong trường hợp Dệt Long An không trả tiền thì Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mãi các tài sản đã thế chấp, bảo lãnh để THA gồm… quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tọa lạc tại số 20/4 đường Kỳ Đồng, P.9, Q.3, TP.HCM…”
Tiếp đó, ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Văn Đức, thẩm phán TAND huyện Thủ Thừa ra thêm thông báo đính chính, đưa tài sản số HSG.110 vào bản án sơ thẩm, nêu rõ thiếu sót là do… đánh máy: “Phần nhận thấy của bản án ở đoạn 01 từ dòng số 01 đến dòng số 04 từ trên xuống của trang số 03 có thiếu sót khi đánh máy đã ghi…”
Một ngày sau đó (ngày 26/4/2014), ông Trần Văn Quán, thẩm phán TAND tỉnh Long An, cũng ra thông báo đính chính “ăn theo” đính chính của ông Nguyễn Văn Đức, thẩm phán TAND huyện Thủ Thừa, vào bản án phúc thẩm: “Xét thấy tại bản án kinh doanh thương mại phúc phẩm số 25/2013/KDTM-PT ngày 30/10/2013 của TAND tỉnh Long An xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” có những sai sót, nhầm lẫn cần được sửa chữa, bổ sung như sau…”
Bản đính chính của TAND huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An ban hành |
Như vậy, 4 bản án đính chính kỳ lạ đến khó hiểu đã ban hành nhanh chóng được TAND huyện Thủ Thừa và tỉnh Long An đã khéo léo “hòa nhập” và hai bản án trước đó. Khi tòa đã sửa thì đến lượt THA cũng “khôn ra” lắp liếm mọi chuyện. Ngày 14/5/2014, ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An, cũng ra quyết định sửa đổi quyết định THA do chính ông đã ban hành từ tháng 3/2014 để cho “phù hợp với thời cuộc”.
Phải chăng hai cấp tòa “gian dối”?
Việc ra các “bản án” đính chính, sửa đổi, bổ sung của TAND huyện Thủ Thừa và TAND tỉnh Long An có ghi rõ: “Nay TAND tỉnh Long An thông báo đính chính cho các đương sự và các cơ quan liên quan biết để tiện việc THA”.
Thế nhưng, 4 “bản án” trái luật này dường như chỉ có duy nhất Chi cục THA dân sự huyện Thủ Thừa và Cục THA dân sự tỉnh Long An biết và “lẳng lặng” thi hành. Điều này được thể hiện trong văn bản của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Long An.
Theo đó, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu trái pháp luật, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Long An đã xem xét hồ sơ vụ án và phát hiện các bản đính chính này đều không được gửi đến đương sự, không gửi đến VKSND. Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng, nêu rõ việc làm của tòa án 2 cấp trái Điều 240 Bộ luật Dân sự; tước đi quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; quyền tranh luận tại phiên tòa, quyền khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của tòa án… được quy định tại Điều 58, 59 Bộ luật Tố tụng dân sự. Từ những sai phạm này, HĐND tỉnh Long An đã yêu cầu TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bản đính chính của TAND tỉnh Long An ban hành |
Ngày 11/7/2014, HĐND tỉnh Long An đã có văn bản gửi TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án của TAND huyện Thủ Thừa và TAND tỉnh Long An.
Ngày 8/1/2015, toàn bộ hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng nói trên đã được VKSND Tối cao rút về để nghiên cứu, xem xét.
Việc ra 4 “bản án” đính chính, bổ sung đã được chính HĐND tỉnh Long An khẳng định là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thế nhưng, quyết định THA dựa trên 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và 4 “bản án” bổ sung mà ông Nguyễn Văn Gấu đã ký và sửa chữa vẫn đang được ông Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An chỉ đạo thi hành. Văn bản trái luật thì lẽ nào quyết định THA dựa trên văn bản đó là đúng luật?
Thái Minh
Have a good day nhé các bạn!
0 nhận xét
Đăng nhận xét