(Chuyên mục giáo dục)TS Vũ Thu Hương: 'Chương trình tiểu học vẫn quá nặng'

No Comments

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

2018-2019 sẽ là năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với kỳ vọng làm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Làm trong ngành giáo dục tiểu học gần 20 năm, tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào sự đổi mới ấy. Các điểm tích cực của chương trình như: có nhiều môn học mới, các mục tiêu mới cho môn học, nội dung giáo dục nghề nghiệp đã xuất hiện nhiều hơn… mang đến niềm tin cho phụ huynh và giáo viên chúng tôi.

ts-vu-thu-huong-chuong-trinh-tieu-hoc-van-qua-nang

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, còn một số điều tôi băn khoăn khi đọc dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhất là ở cấp học tiểu học. Đầu tiên, trong mục yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, các tác giả đã nêu ra một số năng lực cần có của người thanh viên Việt Nam sau khi tiếp nhận chương trình giáo dục mới như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo… Như vậy, các mục tiêu sống tốt, sống hạnh phúc và sống thành công đã có. Tuy nhiên, mục tiêu sống còn quan trọng số một thì chưa thấy được đặt ra ở đây. 

Theo tôi, năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân là quan trọng hàng đầu, cần bổ sung để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho học sinh. Mục này nên được đứng riêng vì tính chất quan trọng của nó thay vì ghép với năng lực tự chủ khiến học sinh cảm thấy năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân bị coi nhẹ.

Về thời lượng học tập, chúng ta kêu gọi giảm tải cho học sinh nhưng số lượng tiết học ở chương trình vẫn quá cao so với các nước trên thế giới. Tổng thời lượng chương trình mới ở lớp 1 của Việt Nam là 1147 tiết, trong khi của Nhật Bản là 1035 và Phần Lan là 855. Với thời lượng nhiều như vậy liệu rằng trẻ có bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn nặng nề và tình trạng dạy thêm học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước?

ts-vu-thu-huong-chuong-trinh-tieu-hoc-van-qua-nang-1

Biểu đồ so sánh tổng thời lượng tiết học mỗi năm, cấp tiểu học của 3 nước Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan: Vũ Thu Hương.

Thời lượng cho các môn học theo tôi còn chưa hợp lý. Mục tiêu của chương trình nhấn mạnh việc hình thành và phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, có phẩm chất tốt đẹp. Tuy nhiên, thời lượng môn học Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất ở cấp Tiểu học và THCS ít hơn hẳn so với các môn học khác và so với thế giới. Ba môn học này ở lớp một chỉ có 70 tiết/tuần, bằng 1/6 thời lượng môn tiếng Việt. Trong khi đó, Nhật Bản dành 135 tiết/năm cho mỗi môn Cuộc sống, Thể dục này. 

ts-vu-thu-huong-chuong-trinh-tieu-hoc-van-qua-nang-2

Bảng so sánh số tiết học mỗi năm của từng môn học giữa lớp tiểu học của Việt Nam và Nhật Bản: Vũ Thu Hương.

Việc bắt buộc các trường tiểu học đến năm học 2022-2023 phải dạy 2 buổi một ngày, cấp THCS cũng được khuyến khích dạy 2 buổi, khiến tôi vô cùng lo ngại. Thực tế, trẻ em Việt Nam chưa được giáo dục giới tính một cách đầy đủ. Thêm nữa, phòng ốc ngủ trưa của học sinh ở các trường gọi là đủ điều kiện cũng rất tạm bợ, trẻ trai và trẻ gái ngủ chung. Như vậy, rõ ràng chúng ta đang tạo điều kiện cho những vụ việc xâm hại hoặc sàm sỡ lẫn nhau xảy ra giữa các học sinh. Đặc biệt khi lứa tuổi dạy thì càng ngày càng sớm.

Về mục tiêu môn Âm nhạc ở bậc tiểu học và các bậc học khác, việc học hát được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, rõ ràng hát là khả năng không phải học sinh nào cũng có. Nên chăng mục tiêu này cần được đặt xuống dưới hoặc thay đổi cho phù hợp. Những nội dung về lịch sử âm nhạc thế giới, các dòng nhạc trong nước và quốc tế... rất cần thiết để nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật của trẻ, đáng lý chiếm thời lượng lớn, thì được tóm gọn trong mục tiêu thường thức âm nhạc. Rõ ràng với cách sắp xếp như vậy, các thầy cô giáo sẽ nghĩ đơn giản môn học này dạy học sinh hát là chính.

Hiện nay thế giới đứng trước nhiều nguy cơ thách thức do biến đổi khí hậu và các thảm họa môi trường. Tuy nhiên, chương trình không có bộ môn riêng biệt về các nội dung này. Kiến thức quan trọng về môi trường và phát triển bền vững chỉ được đề cập đến trong các môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu xã hội ở cấp tiểu học; Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội ở THCS. Với thời lượng ít ỏi, rõ ràng chúng ta không thể kỳ vọng nội dung này sẽ được dạy đầy đủ cho học sinh.

Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Điểm mới của chương trình là chia giáo dục thành 2 giai đoạn cơ bản (Tiểu học và THCS) và hướng nghiệp (THPT). Chương trình xuất hiện nhiều môn học mới, có phân chia rõ ràng môn bắt buộc và tự chọn; các trường sắp xếp thời gian học từng môn... ().

TS Vũ Thu Hương

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét