Cô , trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã giành giải đặc biệt cuộc thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc 2017. Trong phần báo cáo chuyên đề giáo dục, nữ giáo viên 26 tuổi giới thiệu cách nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt lớp.
"Hot teacher" trường Ams thuyết trình giải pháp nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt lớp.
Tiết sinh hoạt truyền thống, theo cô Hồng Anh, thường gây tâm lý căng thẳng, sợ hãi cho học sinh. Hoạt động này thường được tổ chức theo cách giáo viên thuyết trình là chính và xoay quanh việc đánh giá, phê bình học trò. "Tại sao chúng ta không đổi mới để học sinh vừa rèn luyện được ý thức kỷ luật và có những hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa trong cuộc đời", nữ giáo viên đặt câu hỏi.
Giải pháp được cô Hồng Anh đưa ra là đặt học sinh ở vai trò trung tâm, giáo viên chủ nhiệm chỉ định hướng các hoạt động giáo dục, qua đó giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.
Tiết sinh hoạt sẽ gồm 2 phần là sơ kết tuần và sinh hoạt theo chủ đề, trong đó hoạt động thứ hai chiếm 80% thời lượng. Việc lựa chọn chủ đề có thể dựa theo sự kiện từng tháng của nhà trường hay tham khảo chương trình các nước như: Tôn vinh người phụ nữ (tháng 3), Tri ân thầy cô (tháng 11); Truyền thống văn hóa...
Để học sinh tham gia tích cực sinh hoạt chủ đề, giáo viên Hồng Anh cho các em làm việc theo nhóm. Cô sẽ giao một hoặc một vài nhiệm vụ cho mỗi nhóm theo nguyện vọng, khả năng. Mục tiêu của phương pháp này là kích thích sự chủ động sáng tạo của người học.
Trong buổi sinh hoạt chủ đề về áo dài Việt Nam, lớp do giáo viên Hồng Anh chủ nhiệm đã được chia thành các nhóm: Nhận thức (tìm hiểu về áo dài Việt Nam qua từng thời kỳ); nhóm sáng tạo (giao lưu với bạn bè quốc tế về áo dài Việt Nam); nhóm trải nghiệm (mặc áo dài). Các nhóm sau đó phải báo cáo kết quả làm việc, bằng nhiều hình thức như: thuyết trình, dựng video... Người học sẽ phải vận dụng kiến thức liên môn như: Lịch sử, Văn học, Ngoại ngữ, Tin học... để giải quyết các vấn đề thực tiễn được giáo viên đặt ra.
Buổi sinh hoạt của lớp do giáo viên Hồng Anh chủ nhiệm, học sinh còn được thảo luận về một đề tài cụ thể có tính thời sự hoặc tranh biện cao. Ví dụ, ở chủ đề áo dài, câu hỏi được đưa ra là người mặc áo dài đẹp nhưng cư xử thiếu văn hóa. "Học sinh lớp tôi đã tranh luận rất sôi nổi. Qua đó các em được rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng lắng nghe, phản biện, tư duy phê phán…", nữ giáo viên tài năng nói.
Sự đổi mới tiết sinh hoạt từ việc giáo viên chủ nhiệm thuyết trình và áp đặt nhận thức cho học sinh chuyển thành học sinh nêu ý kiến riêng và giáo viên là người chốt lại, định hướng tính đúng đắn, đã làm thay đổi thái độ của học trò. Các em đã hứng thú, chủ động tham gia sinh hoạt và tiếp nhận tri thức.
Quỳnh Trang
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét