Tại hội nghị bàn về công tác tuyển sinh năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 4/4, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề đã chia sẻ những tâm tư trước kỳ tuyển sinh 2017, khi mảng dạy nghề chuyển hẳn về.
Trường nghề khó tuyển sinh
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội cho biết, qua phân tích năm nay thấy lượng thí sinh toàn quốc không đủ so với tổng chỉ tiêu trường đại học và trường nghề cần tuyển khiến việc tuyển sinh khó hơn trước. Chưa kể tâm lý học sinh vẫn ưa chuộng đại học hơn.
Nhiều trường thông báo tuyển sinh ngay tại cổng, cơ sở dạy nghề. Ảnh: Hải Bình. |
Theo ông Ngọc, đây là thời điểm thách thức lớn, đòi hỏi các trường phải năng động, tạo cơ chế vận hành như doanh nghiệp. Nhà trường ngồi chờ đợi thì không tồn tại được mà phải tự tìm đến với thí sinh, tư vấn cho họ chọn ngành nghề mà xã hội cần. Cần có những chỉ báo, phân tích chỉ báo để phục vụ cho tương lai gần ít nhất 3 năm để thí sinh biết. Trường nghề phải hợp tác với doanh nghiệp.
"Nếu không có trách nhiệm với người học và xa doanh nghiệp, đào tạo ra để học sinh, sinh viên thất nghiệp thì chắc chắn không tồn tại được. Các trường cũng cần công bố rõ ràng, chính xác về tỷ lệ sinh viên học xong có việc làm chứ không phải công bố cho xong", ông nói.
Với cơ chế tiền lương hiện nay rất thấp, học phí không cao và cam kết toàn khóa sẽ không thay đổi thì giải quyết bài toán trang thiết bị, đào tạo ra đội ngũ thợ nghề có chất lượng khiến các trường đang đau đầu xoay sở.
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Đại diện Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho hay mùa tuyển sinh đã bắt đầu nhưng các trường cao đẳng, trung cấp còn phải chờ đợi văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Lao động. Trong khi Bộ Giáo dục đã mở rộng đường cho thí sinh vào đại học với việc không hạn chế nguyện vọng đăng ký.
Bộ Giáo dục tổ chức thi THPT quốc gia mà hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp lại không xuất hiện trong danh sách thí sinh đăng ký nguyện vọng. Dữ liệu của Bộ Giáo dục liệu có được chia sẻ với các trường cao đẳng, trung cấp do Bộ Lao động quản lý?
"Các trường đang như ngồi trên đống lửa. Thông tin tuyển sinh có rồi nhưng đến được với học sinh thì cực kỳ khó. Bộ Giáo dục có hẳn một cổng thông tin tuyển sinh, trong khi Tổng cục Dạy nghề mới ban hành một cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nghề năm 2017. Mà để cuốn sách này đến với học sinh thì không dễ", lãnh đạo này băn khoăn.
Nhiều người trẻ lựa chọn học nghề thay vì con đường đại học. Ảnh: Đức Hùng. |
Chung nỗi lo, lãnh đạo trường Cao đẳng nghề cơ điện Phú Thọ băn khoăn hệ thống văn bản hướng dẫn luật giáo dục nghề nghiệp chậm ban hành hoặc cứng nhắc gây khó hiểu, khiến các trường bị chậm công bố thông báo tuyển sinh năm 2017. Luật giáo dục nghề nghiệp quy định nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút người học như miễn 100% học phí với nghề xã hội cần nhưng khó tuyển sinh.
Ngoài các trường đại học thì doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông "hút" nhiều học sinh tốt nghiệp. Song việc đào tạo và giải quyết công việc không mang tính bền vững khiến lao động dễ thất nghiệp hoặc bị buộc thôi việc. Nhiều địa phương thay vì cảnh báo đúng mức đến phụ huynh, học sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp thì lại tích cực hợp tác tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.
Sẽ đề nghị Bộ Giáo dục chia sẻ dữ liệu tuyển sinh
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết hiện dữ liệu tuyển sinh do Bộ Giáo dục quản lý. Ngay sau hội nghị, cơ quan này sẽ có công văn gửi Bộ Giáo dục đề nghị chia sẻ dữ liệu và liên thông hai cổng thông tin về tuyển sinh của hai bộ.
Ngoài ra, cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm 2017 sẽ được chia sẻ rộng rãi bản cứng và bản mềm trên website. Thí sinh truy cập vào có thể biết được trường nào đào tạo ngành nghề gì, ở đâu, tỷ lệ có việc làm những năm trước để chủ động đăng ký.
Theo ông Minh, lâu nay việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh vẫn theo nhu cầu của người học chứ chưa căn cứ thị trường lao động nên có một nghịch lý là học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều. Trong biên bản bàn giao giữa hai bộ đã xác định việc học liên thông lên bậc cao hơn với sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vẫn theo quy định của Bộ Giáo dục hiện nay.
Sau ngày 1/1/2017, Chính phủ giao Bộ Giáo dục chủ trì, Bộ Lao động tham gia biên soạn quy định liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học và trình Chính phủ ban hành trong quý II. "Ít nhất phải 2-3 năm sau mới có đầu ra của trung cấp và cao đẳng nghề. Khi đó, những quy định liên thông do hai bộ xây dựng mới được áp dụng", ông nói.
Năm 2017, các trường nghề sẽ tuyển sinh 2,2 triệu. Trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000, sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu.
Hoàng Phương
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét