Tọa đàm "Làm sao để có sách Toán tốt cho học sinh?" tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội đã thu hút nhiều chuyên gia Toán học tham gia.
Nhiều chuyên gia góp ý biên soạn sách giáo khoa Toán mới. Ảnh: Thanh Tâm |
Nhiều năm viết sách, nhà giáo nhân dân Vũ Hữu Bình chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của sách giáo khoa Toán thời gian qua. Từ năm 1955 đến 1986, sách giáo khoa Toán chủ yếu được biên soạn theo sách của Liên Xô. Từ năm 1986 đến 2002, nhiều nước trong đó có Việt Nam muốn hiện đại hóa môn Toán nên bỏ qua sự phù hợp sư phạm trong cuốn sách giáo khoa khiến cuốn sách trở nên hàn lâm, nặng nề và phải chỉnh sửa nhiều lần.
Sách giáo khoa từ năm 2002 đến nay có sự thay đổi đáng kể, lý thuyết phức tạp được giảm tải so với giai đoạn trước, những phần trùng lặp bị bỏ đi, sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành được đảm bảo. "Sách đặt ra nhiều câu hỏi tình huống, đem đến cho học sinh kiến thức thực tế. Ví dụ học về tỷ số phần trăm, học sinh được biết đến công thức làm thịt kho tàu hay tính tiền tiết kiệm", ông Bình nói, nhưng cho rằng những bài tập đó quá ít.
Theo ông Bình, trình bày trong sách giáo khoa hiện hành còn nặng nề. Ví dụ phần kiến thức về điểm nằm giữa hai điểm, tia nằm giữa hai tia vẫn được sử dụng quá mức cần thiết gây khó khăn cho giáo viên và học sinh. Nhiều kiến thức bị phân khúc, thiếu tính liên tục, như thống kê mô tả được học ở lớp 7 song lớp 8 và 9 lại không học. Có công thức hay dùng lại bị sách bỏ qua như tính diện tích của tam giác đều khiến học sinh khi làm bài thi phải chứng minh từ đầu vì sợ bị trừ điểm. Ông Bình cho rằng, đó là thiếu sót cần chú ý khi biên soạn sách mới.
Nhà giáo này cũng thẳng thắn phê bình khi sách giáo khoa Toán còn những bài tập chưa chọn lọc, câu hỏi không rõ ràng, thiếu bài tập, nội dung cần thiết cho cuộc sống hiện đại như phần tính xác suất, thiếu bài tập liên môn gắn với Vật lý, Hóa học, tài chính ngân hàng và những đề bài gắn với mọi mặt đời sống xã hội.
Nhà giáo nhân dân Vũ Hữu Bình chỉ ra những bất cập trong sách giáo khoa Toán hiện hành. Ảnh: Thanh Tâm |
PGS.TS Chu Cẩm Thơ có kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên cho biết, đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh với 59 giáo viên dạy Toán. Kết quả 58% người khẳng định sách giáo khoa Toán hiện hành không đáp ứng được công việc giảng dạy, 69% nói sách không đáp ứng được mục tiêu phát triển tư duy của học sinh và 49% nói một nửa học sinh không thể hoàn thành hết bài tập trong sách. "Mẫu khảo sát không lớn nhưng phần nào phản ánh được hạn chế trong sách giáo khoa hiện hành", bà Thơ nói.
Ông Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán Tin Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời là Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Toán mới, nhấn mạnh yếu tố thị giác trong sách giáo khoa hiện hành rất kém, hay nói cách khác là thiếu thẩm mỹ. "Sách ít màu, giấy xấu, chữ bé, trông không sang trọng. Sách phải sang trọng thì học sinh mới yêu nó và muốn học", ông Thái nói và cho biết dù nhà xuất bản đã hứa sách giáo khoa mới sẽ được in bằng 4 màu nhưng với 4 màu cơ bản và phải in trên giấy loại 2 thì yếu tố thị giác vẫn chưa thể tốt được.
Chủ biên bộ sách giáo khoa Toán cấp THCS hiện hành, GS Tô Thân đồng tình với một số nhận xét của các chuyên gia. Tuy nhiên, ông cho rằng yếu tố sách giáo khoa phải phù hợp với thực tế Việt Nam ảnh hưởng nhiều đến quá trình biên soạn. Ví dụ, phần kiến thức về thống kê được yêu cầu đưa vào bậc THCS nhưng vì nó không liền mạch với kiến thức học sinh đang học nên nhà biên soạn để cuối sách. Khi thí điểm, phần đó không được dạy vì đã qua thời gian thi cuối năm. Sau khi điều chỉnh, cho vào giữa sách thì phần phần kiến thức này lại bị rời rạc.
Phải giải quyết nhiều vấn đề để có sách giáo khoa tốt
Ông Vũ Hữu Bình chỉ ra một số mối quan hệ cần được giải quyết để có bộ sách giáo khoa tốt hơn. Thứ nhất là cân đối giữa tính khoa học và tính sư phạm. Ngoài việc chuẩn xác, sách phải bám sát mục tiêu dạy học và trình độ của học sinh. "Trước năm 2002, định lý Pytago được dạy vào cuối lớp 8 nhưng sau đó được chuyển lên dạy vào kỳ 1 lớp 7. Nhiều người lo lắng không thể dạy được nhưng thực tế cho thấy với việc chọn cách tiếp cận hợp lý, khoa học, học sinh lớp 7 đã dễ dàng tiếp thu", ông Bình lấy ví dụ.
Thứ hai, những nhà biên soạn sách phải giải quyết được mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và bản sắc Việt Nam. Sách giáo khoa nước ngoài có nhiều ưu điểm như bài tập đa dạng, sách in đẹp, đưa kiến thức đại số vào khá sớm và Việt Nam nên học tập điều đó. Tuy nhiên, không phải cứ sách nước ngoài là hoàn hảo. Ông Bình đưa ra dẫn chứng một cuốn sách lớp 7 của Pháp đưa ra 5 định lý liên quan đến tam giác trong cùng một bài học và không chứng minh từng định lý. Trong khi đó, sách giáo khoa lớp 7 của Việt Nam đưa ra định lý, chứng minh đầy đủ hoặc chứng minh qua câu hỏi, bài tập.
"Tôi cho rằng sách Việt Nam trong trường hợp này được viết tốt hơn vì khi học sinh có thể tự mình chứng minh thì tại sao bắt các em phải công nhận tất cả khiến năng lực tư duy kém đi, biến các em thành người thụ động", ông Bình nói và tỏ ra lo ngại nếu Việt Nam tiếp thu "hạn chế" này, cho rằng việc để các em phải công nhận mọi định lý là mối nguy với toán học.
Ông Bình phân tích thêm hiện nay, nhiều người muốn sách Toán phải có thêm câu hỏi cho học sinh khá giỏi. Nhưng điều này không hợp lý vì giáo viên rất thích khai thác bài khó khiến "việc học của học sinh vốn đã quá tải lại càng trở nên nặng nề hơn". Vì vậy, phải giải quyết được mối quan hệ giữa đại trà và nâng cao khi biên soạn sách mới.
Ông cũng nhấn mạnh sách Toán phải phát triển được năng lực Toán học của học sinh. "Sách giáo khoa không nên chỉ quan tâm đến năng lực tính toán mà còn phải chú trọng đến năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, mô hình hóa khoa học. Sách Toán cần cung cấp cho học sinh khả năng tự học, tránh giải sẵn làm triệt tiêu động lực của học sinh; cần có nhiều ứng dụng và thực tế vào các môn học khác", nhà giáo này nhận định.
Ông Đỗ Đức Thái khẳng định không thể giảm tải chương trình Toán được nữa. Ảnh: Thanh Tâm |
Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Toán mới Đỗ Đức Thái cho rằng sách giáo khoa Toán hiện nay chủ yếu phục vụ việc dạy học của giáo viên. Sách mới sẽ phục vụ học sinh là chính, là tài liệu để học sinh tự học. Tuy nhiên, đổi mới này cũng cần có lộ trình nên sách vẫn phải là kịch bản để giáo viên dạy học trên lớp.
"Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ hình thức tiếp cận nội dung sang hình thành phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, thời gian tới học Toán không phải để biết toán học bao gồm cái gì, có bao nhiêu định lý mà phải biết nó được sinh ra từ đâu và tại sao người ta lại sinh ra nó", ông Thái nhấn mạnh.
Về vấn đề đưa nhiều bài tập nâng cao vào sách giáo khoa, ông Thái nhận định sách giáo khoa và chương trình học là dành cho mọi người. "Kiến thức gì đưa vào sách giáo khoa là tất cả học sinh đều phải được học và học được", ông nói và cho rằng phần nâng cao có thể đưa vào tài liệu bổ trợ khác.
Chủ biên sách mới khẳng định sách giáo khoa Toán mới sẽ được tinh giản, hiện đại, yếu tố thị giác tốt hơn và nâng tầm sáng tạo của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, "không thể giảm tải được chương trình toán nữa, vì giảm tải là đi lùi với các nước trên thế giới".
Thanh Tâm
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét