(Chuyên mục giáo dục)Bộ Giáo dục muốn tạo sự bình đẳng cho các đại học ngoài công lập

No Comments

Làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 14/4, nhiều đại biểu thuộc 60 trường đại học ngoài công lập trên cả nước cho rằng, việc chưa bình đẳng giữa hệ thống trong và ngoài công lập khiến các trường tư khó phát triển.

Theo Bộ trưởng Giáo dục, cần xem xét cụ thể từng trường hợp bởi mỗi mô hình có những trách nhiệm khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực khác nhau cho quốc gia. "Chúng tôi sẽ kiến nghị để Chính phủ có chính sách ưu đãi cho các trường ngoài công lập được tiếp cận nguồn vốn như trường công", ông Phùng Xuân Nhạ nói và khẳng định "Bộ sẽ chú ý sự bình đẳng nhưng không có nghĩa là cào bằng".

Các trường ngoài công lập cũng sẽ nhận hỗ trợ chính sách về quỹ đất, học bổng và nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng được tự chủ hơn về tuyển sinh.

bo-giao-duc-muon-tao-su-binh-dang-cho-cac-dai-hoc-ngoai-cong-lap

Ông Phùng Xuân Nhạ làm việc với các trường đại học ngoài công lập tại TP HCM. Ảnh: H.T

Ông Nhạ cho rằng, sau 20 năm ra đời, hệ thống đại học ngoài công lập đã có những đóng góp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Song, nhìn chung các trường tư còn rất nhỏ về quy mô, thiếu cơ sở vật chất và chưa đảm bảo những cam kết với người học.

"Chất lượng sinh viên đầu ra chưa cao, các trường chủ yếu là đào tạo trong khi nghiên cứu khoa học chưa nhiều. Thậm chí nhiều trường chưa chú trọng nghiên cứu khoa học", ông đánh giá.

Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ở hệ thống trường tư còn thấp - khoảng 22%, chủ yếu là giảng viên trình độ cử nhân và thỉnh giảng. Về tài chính, các trường phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư ban đầu và học phí từ sinh viên.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, Bộ sẽ tăng cường thanh tra các trường không thực hiện những cam kết khi thành lập và có biện pháp xử lý mạnh nếu vi phạm.

"Các trường phải chú ý đến điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có cơ sở vật chất. Những trường chưa có điều kiện có thể tính đến phương án sáp nhập hoặc đóng cửa", ông Nhạ cho hay. 

bo-giao-duc-muon-tao-su-binh-dang-cho-cac-dai-hoc-ngoai-cong-lap-1

Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một tiết học lý thuyết. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Phạm Thị Huyền - đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập - nhận xét, một số trường thuộc hệ thống này đang lạc hậu so với mặt bằng chung đại học. Nhiều trường có những cơ sở dạy học quá nhỏ lẻ. 12 trường đang thuê toàn bộ cơ sở đào tạo, trong đó có 5 trường đã hoạt động trên 20 năm.

"Chương trình đào tạo các trường ngoài công lập vẫn còn nặng lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động", bà Huyền đánh giá.

Mạnh Tùng

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét