Lễ khởi công dự án vừa diễn ra vào ngày 24/2. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, chưa kể giá trị đất. Đây là quần thể đại học chú trọng phát triển bền vững, tái tạo năng lượng và thân thiện với môi trường.
Đại học xanh Văn Lang hình thành từ ý tưởng tạo nên một cấu trúc cảnh quan đặc sắc, cung cấp cho nghiên cứu sinh, sinh viên và giảng viên môi trường học tập và sinh hoạt gắn liền với thiên nhiên.
Các chuyên gia của Hiệp hội Kiến trúc sư Pháp, những người tham gia thiết kế đề án đánh giá việc bảo tồn cảnh quan, địa hình, mặt nước tự nhiên hiện có của khu đất và hoàn thiện nó bằng các yếu tố kiến trúc cảnh quan là việc rất quan trọng. Qua đây sẽ thúc đẩy tương tác nhiều hơn giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.
"Dự án sẽ tạo môi trường sinh thái đa dạng xung quanh các tòa nhà, nhiều không gian xanh dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh có thể hoạt động bên ngoài trời. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thiết kế công trình kiến trúc xanh và phát triển bền vững", đại diện các chuyên gia chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng và Chủ tịch HĐQT ĐH Văn Lang Bùi Quang Độ ấn nút khởi công quần thể ĐH Văn Lang. |
Toàn bộ các hạng mục chức năng của Đại học Văn Lang sẽ hợp thành cấu trúc khép kín, tiện nghi như một thành phố khoa học thu nhỏ với đầy đủ cơ sở vật chất nghiên cứu và giảng dạy cùng các tiện ích sinh hoạt theo xu hướng của các trường đại học xanh hiện đại trên thế giới.
Tiêu chí chương trình giáo dục của trường hướng đến phát triển bền vững. Với khu đại học mới, đơn vị dự kiến sẽ thiết lập hệ đào tạo liên tục trong 16 năm từ cấp tiểu học, trung học lên đến đại học.
Bên cạnh đó, trường Văn Lang đang hợp tác và học hỏi mô hình của Đại học UT (University of Texas), có mặt trong top 10 nước Mỹ và là một trong những trường có khoa Công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Đây chính là điều kiện để cơ sở giáo dục này có thể đào tạo một cách có hệ thống và định hướng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế TP HCM và cả nước nói chung.
Đối với hệ thống giáo dục đại học hiện nay trên thế giới, song song chất lượng đào tạo chính là hướng đến xây dựng đại học xanh thân thiện với môi trường. Khái niệm này đã xuất hiện từ những năm 1990, có ý nghĩa gắn liền với sự phát triển bền vững.
Hầu hết các trường đại học xanh trên thế giới đều xây dựng theo nguyên lý kiến trúc xanh, tận dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, gió, nước và sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường.
Quần thể Đại học Văn Lang sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động. |
Chương trình đào tạo của đại học xanh cũng đi liền với triết lý bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời đưa triết lý này vào mối quan hệ giữa con người với cộng đồng xung quanh. Bên cạnh đó, các yếu tố quản trị và mọi chủ trương, hoạt động của nhà trường đều phải đảm bảo theo hướng bền vững lâu dài.
Một số trường đi theo định hướng này trên thế giới là Đại học Colorado (Boulder, Mỹ), Đại học Ithaca (New York, Mỹ), Đại học Santa Barbara (California, Mỹ), Đại học Ottawa (Canada), Đại học Sussex (Anh)… Tại đây có nhiều chương trình giảm thiểu lượng khí thải carbon, tiết kiệm năng lượng và những chiến dịch giảm sự phụ thuộc vào điện.
Hiện nay, Việt Nam có một số trường đại học đi theo mô hình đại học xanh như Đại học Trí Việt, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học FPT...
Ngoài khuôn viên xanh, các trường đại học này đều hướng đến tiêu chí bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường nhằm góp phần giảm khí thải từ hiệu ứng nhà kính, giảm lượng nước và năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, song song đó là xử lý và tái chế chất thải hợp lý.
Trương Sanh
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét