Sáng 24/3, hội nghị về quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo diễn ra tại Hà Nội với sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. "Nếu chỉ nhìn vào báo cáo về dân chủ trong giáo dục và đào tạo thì mọi thứ đều tốt đẹp, không nhận thấy có vấn đề gì. Nhưng nếu không nhìn thẳng thì không bao giờ khắc phục được bất cập", ông Đam đặt vấn đề.
Nhắc lại một số vụ nổi cộm ở tất cả cấp học, trong đó có "các đại học kiện tụng nhau tối ngày" như Ngoại thương, Phó thủ tướng đặt câu hỏi với Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa: "Vụ việc như vậy có phải cá biệt?".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi về những vụ việc thiếu dân chủ trong trường học. Ảnh: Thanh Tâm |
Thứ trưởng Nghĩa khẳng định hiện tượng đó không nhiều, phần lớn trường học thực hiện tốt dân chủ. Với một số vụ nổi cộm vừa qua, một trong những nguyên nhân là mất dân chủ cơ sở, người đứng đầu và cấp ủy chưa phối hợp tốt với nhau.
Nhắc lại vụ taxi đâm gãy chân học sinh trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), bà Nghĩa phân tích việc hiệu trưởng huy động giáo viên xác nhận vấn đề không đúng sự thật là hành động mất dân chủ. "Đây là bài học kinh nghiệm lớn về trách nhiệm của người đứng đầu", bà Nghĩa nói.
Phó thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi về số đại học, cao đẳng đã có hội đồng trường. Đại diện Tổng cục Dạy nghề lúng túng, không đưa ra được con số chính xác. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chỉ có 18/36 trường trực thuộc Bộ thành lập hội đồng trường. Chưa một trường cao đẳng chuyên nghiệp nào có hội đồng trường trước khi được bàn giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
"Việc thành lập hội đồng trường là chỉ số cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở đại học, cao đẳng, nhưng đại diện các Bộ cũng nắm không đầy đủ. Số liệu có được thì số trường có hội đồng trường không nhiều, dù luật quy định. Đây là ví dụ cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường đang ở mức nào”, Phó thủ tướng đánh giá.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng phải dân chủ, tự chủ từ mầm non trở lên. Ảnh: Thanh Tâm |
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng mất dân chủ trong trường học không chỉ diễn ra ở bậc đại học mà nhiều bậc học. "Không phải cứ chăm chăm vào chữ dân chủ là có thể dân chủ. Ngành giáo dục, đặc biệt là phương pháp giáo dục phải thực sự được cải tiến, phải vì mong muốn của học sinh, phát triển từng cá nhân, không được áp đặt hàng loạt", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, hiện nay vấn đề tự chủ đang được quan tâm, nhưng mới nhắc đến tự chủ trong đại học. Để trường học thực sự dân chủ thì phải tự chủ ở tất cả trường, từ mầm non trở lên. "Các cơ quan cấp trên quản lý nhiều quá dẫn đến nhà trường không thể sáng tạo, không dân chủ được. Hãy để các trường tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo trước xã hội", ông Lâm khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Lâm, mỗi trường học cần đề cao vai trò người đứng đầu, các đoàn thể phải phát huy vai trò giám sát, đánh giá dân chủ một cách khách quan.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần xem lại cơ chế giám sát dân chủ. "Chúng ta cần có cơ chế giám sát đo đếm được, chứ không chỉ làm một cách chung chung. Chúng ta đã có đánh giá nhưng phải tăng cường đánh giá dân chủ trực tiếp, phải gạt bỏ được tâm lý ngại của nhiều người", ông Đam nói và nhận định cần có công nghệ hỗ trợ để người đánh giá được ẩn danh.
Lắng nghe đại diện Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ nhà trường thực hiện dân chủ bằng cách cho sinh viên đánh giá giảng viên, từ đó giảng viên sẽ tự ý thức về việc nâng cao phẩm chất, năng lực của bản thân, Phó thủ tướng hoàn toàn đồng tình. Theo ông, cần phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên.
Ông Đam cũng nhấn mạnh phải tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối đại học, cao đẳng để đảm bảo thực hiện dân chủ bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn cầm tay chỉ việc. "Nơi nào quyền lực tập trung hoàn toàn vào một người sẽ dễ dẫn đến bị tha hóa", ông Đam nói và chỉ đạo Bộ Giáo dục và Bộ Lao động phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng quy chế hoạt động.
Với hơn 20 triệu học sinh cùng hàng triệu gia đình và 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường, theo ông Đam, sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người "biết" và có trách nhiệm "bàn, làm, kiểm tra".
Thanh Tâm
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét