(Chuyên mục giáo dục)Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Về Bộ Lao động, trường nghề thuận lợi hơn'

No Comments

Ngày 16/1, tại hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hàng trăm trường cao đẳng và trung cấp nghề vừa được chuyển từ Bộ Giáo dục sang Bộ Lao động là sự chuyển giao quản lý nhà nước, chưa phải chuyển cơ quan chủ quản.

Dẫn chứng về 200 trường cao đẳng và trung cấp nghề thuộc các tỉnh, ông Đam nói rằng "họ có thể quyết định cơ quan chủ quản là ai, tùy theo điều kiện của địa phương".

"Hiện, Bộ Lao động chưa hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến các trường này thì áp dụng các văn bản trước đây của Bộ Giáo dục. Việc chuyển giao quản lý nhà nước chỉ có thuận lợi hơn, sẽ không có gì khó khăn cho các trường", ông Đam nói và yêu cầu Bộ Lao động sớm hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này.

Riêng với các trường nghề thuộc khối Y, những lo lắng thời gian qua xuất phát từ quy định Bộ Y tế, không phải việc chuyển giao quản lý nhà nước.

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-ve-bo-lao-dong-truong-nghe-thuan-loi-hon

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với hiệu trưởng các trường nghề. Ảnh: Mạnh Tùng

Về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ông Đam khẳng định các trường phải chủ động tự chủ, không dựa vào ngân sách. Nhà nước cũng cần điều chỉnh nguồn ngân sách cho hợp lý, công bằng.

"Mỗi trường nghề công lập nhận được 10 tỷ đồng mỗi năm nhưng có trường tuyển sinh 1.000 người, có trường chỉ được vài chục. Chúng ta làm như vậy sẽ làm hư đội ngũ cán bộ, nhân viên của trường, phải dần xóa bỏ bao cấp và hướng đến tự chủ", Phó thủ tướng nói.

Ông chỉ đạo các bộ liên quan phải tạo cơ chế thông thoáng để các trường tự chủ thực sự từ tổ chức bộ máy, chuyên môn... Ông Đam cũng nhắc nhở việc đào tạo của các trường nghề phải gắn chặt với các doanh nghiệp, phải được chuẩn hóa quốc tế, khung chương trình được kiểm định chất lượng.

Tại hội nghị, lãnh đạo hàng chục trường cao đẳng, trung cấp nghề bày tỏ sự lo lắng trước tình hình tuyển sinh èo uột trong những năm gần đây.

Ông Trần Công Chánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu nêu một thực tế, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tuyển lao động phổ thông, chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, việc phân luồng học nghề ngay từ bậc THCS ở các địa phương còn yếu, dẫn đến học sinh học xong THPT, không đậu đại học thì đi làm công nhân. Tình trạng này kéo dài sẽ "giết" các trường nghề. 

"Chưa kể trình độ giáo viên dạy nghề ở các trường đang yếu, chỉ có lý luận suông mà không giỏi thực hành, chế độ tiền lương thấp không thu hút được giảng viên giỏi", ông Chánh nêu.

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Cao đẳng Viễn Đông thì khẳng định, mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phải là con người - tức là nhân sự, giảng viên. Trong khi đó nhiều trường hiện "chỉ có vỏ mà không có ruột" nên câu chuyện chất lượng đào tạo còn xa vời. "Vậy công tác đào tạo giảng viên cao đẳng nghề, khi chuyển về Bộ Lao động thì bộ đã có kế hoạch như thế nào?", ông Hải đặt câu hỏi.

Một đại biểu khác cho rằng, Chính phủ cần có chính sách quy hoạch lại các trường dạy nghề bởi tình trạng "chen nhau đào tạo để sống, không thể nâng cao chất lượng".

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-ve-bo-lao-dong-truong-nghe-thuan-loi-hon-1

Học viên một trường trung cấp y dược. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 1/1 đã bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Từ năm nay, hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động ban hành.

Mạnh Tùng

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét