Chiều 17/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị khởi động dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Mục tiêu dự án là nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết hỗ trợ 77 triệu USD để thực hiện dự án đổi mới giáo dục phổ thông. Ảnh: Thanh Tâm |
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 80 triệu USD, được chia cho 4 thành phần: hỗ trợ phát triển chương trình (khoảng 20%), hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới (khoảng 25%), hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông (gần 50%), và quản lý dự án (3%). Số còn lại được đưa vào chi phí dự phòng.
Với tổng kinh phí đầu tư lớn, dự án đề ra 7 kết quả cần đạt được, trong đó nổi bật là học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới, sách giáo khoa một số môn học cấp tiểu học được biên soạn song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết) hay hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và đưa vào hoạt động.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết dự án sẽ hướng tới xây dựng chân dung người công dân mới với những năng lực cốt lõi như tự chủ, hợp tác, sáng tạo và những năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất.
Dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông dự kiến kết thúc vào tháng 12/2020. Thứ trưởng Giáo dục Phạm Mạnh Hùng hy vọng với thời gian không quá dài, các chuyên gia phát triển chương trình, biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa và cán bộ Ban quản lý dự án sẽ hợp tác chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục, tầng lớp nhân dân và chuyên gia tư vấn quốc tế.
Kết quả đầu ra chính của dự án: 1. Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành. 2. Tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa được ban hành. 3. Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn được phê duyệt, cho phép sử dụng. 4. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới. 5. Sách giáo khoa một số môn học cấp tiểu học được biên soạn song ngữ (tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết). 6. Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến được đưa vào hoạt động; tất cả giáo viên phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 7. Hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và đưa vào hoạt động; kết quả học tập của học sinh theo chương trình mới được phân tích toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh nghèo và nhóm học sinh thiệt thòi. |
Thanh Tâm
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét