Trong buổi tọa đàm mới đây về chủ đề “Game online - Nên hay không nên chơi” do trường THPT FPT và Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức đã nhận không ít ý kiến trái chiều.
Tham gia chương trình, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ thông tin và Internet phát triển mạnh giúp cuộc sống con người tiện nghi, thoải mái, năng suất lao động cao hơn nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Từng là một game thủ chuyên nghiệp, anh Nguyễn Đức Hoàng - làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực này cho rằng, game có sức hút đặc biệt khi giúp người chơi hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt mà thực tế không thể thực hiện. "Ví dụ khi lái tàu vũ trụ, người chơi có thể nhảy từ trên đỉnh núi xuống, có sức mạnh ảo to lớn, không lo lộ mặt... Ngoài ra, đồ họa game rất đẹp mắt, có các chế độ tính điểm, vượt qua các chặng, tăng cấp độ làm người chơi luôn có tâm lý tò mò, khám phá muốn chinh phục”, anh Hoàng lý giải.
Cũng theo anh Hoàng, game rất thú vị nhưng ham mê quá độ có thể dẫn đến xa rời cuộc sống thực, tốn nhiều thời gian vào việc giải trí, suy giảm thể lực, trí tuệ. Điều này làm cho nhiều bạn trẻ xa rời các mối quan hệ xã hội, thậm chí là quá nhập tâm vào những game bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi.
Nhiều học sinh cho biết rất thích chơi game, trong đó có nhiều em chỉ xem đây là trò chơi giải trí nhưng cũng không ít bạn trẻ bị 'nghiện'. |
Là game thủ chuyên nghiệp, anh Hoàng khuyên không nên chơi game liền một mạch quá lâu mà phải biết kiểm soát bản thân. Trước đây, dù có lúc rất nghiện nhưng 1-2 tiếng anh cũng phải uống nước, vươn vai và tập thể thao để có sức khỏe, đặc biệt là cần chia giờ chơi hợp lý.
Tại chương trình, nhiều học sinh cho biết rất thích chơi game, trong đó có em chơi mỗi tiếng một ngày nhưng cũng có người chơi 6 tiếng mỗi ngày. Ông Trần Vũ Quang - Phó hiệu trưởng trường THPT FPT cho biết, trường có khá đông học sinh chơi game online, có thể chia làm ba nhóm, trong đó có nhóm chỉ chơi giải trí sau giờ học. Nhóm hai là các bạn ham thích game nhưng chưa khống chế được sở thích. Còn nhóm ba là những học sinh bị nghiện, các em dành quá nhiều thời gian để sống với game.
"Chỉ cần 10 phút giải lao, nhiều học sinh cũng cố vào chơi game, tìm cách lách nội quy, dồn tiền bạc, bỏ bê học hành, xa rời các hoạt động tập thể để chơi game", ông Quang chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, game có sức hút đặc biệt khi giúp người chơi hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt mà thực tế không thể thực hiện. |
Ở góc nhìn từ bậc phụ huynh, ông Hà Phương - Phó chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường THPT FPT kể, con trai ông thích chơi game từ năm lớp 8, thời gian đầu cậu bé giấu bố mẹ nên hai vợ chồng phải rình rập ngăn cấm, quản thúc, nhắc nhở rất mệt mỏi.
Sau nhiều lần trao đổi trực tiếp đến lớp 10, nam sinh đã tự giác hơn và bắt đầu kiểm soát được, không để game ảnh hưởng đến học tập. Thấy con chơi game nhưng vẫn học tốt và có ý thức nên ông không còn quá gay gắt và đặt ra quy định, trong tuần cậu bé sẽ tập trung việc học và đến cuối tuần thoải mái chơi game. “Nếu các con chứng minh được với ba mẹ và thầy cô rằng mình tự chủ khi chơi game và không ảnh hưởng đến các mục tiêu tương lai của mình, thì phụ huynh sẽ tôn trọng lựa chọn của con và không kiểm soát nữa”, ông Phương nói.
"Phụ huynh cũng không nên gọi con là những con nghiện game, đó là một điều đáng sợ và nguy hại, các bạn trẻ sẽ rất dễ tâm lý phản ứng. Thay vì thế, hãy ngồi xuống nói chuyện với con", ông Phương nói thêm. Đối thoại với phụ huynh là cách để các em hiểu cha mẹ và giúp họ hiểu thêm về game.
Buổi tọa đàm “Game Online - Nên hay không nên chơi” là một phần trong chương trình của trường THPT FPT kết hợp với Đại học trực tuyến , nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ trên Internet, kiểm soát hành vi khi đang online...
Hoàng Thảo
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét