Được nhận học bổng Singapore Press Holdings, Jan Lee đã chọn Nhật Bản là điểm đến học tập. Cô chia sẻ một vài kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân trong thời gian học ở đất nước mặt trời mọc trên tờ Straits Times ngày 29/8.
Vì sao là Nhật Bản? Đó là câu hỏi tôi luôn nhận được khi có người muốn biết vì sao lại chọn theo đuổi tấm bằng đại học ở Tokyo. Tôi luôn luôn dừng lại một lúc và tự hỏi liệu mình có nên tiết lộ sự thật có phần “xấu hổ”.
Lần đầu tiên tôi chú ý đến Nhật Bản nhờ nam ca sĩ Matsumoto Jun trong nhóm nhạc Arashi. Trong số bạn học, những người đam mê làn sóng Hàn Quốc, chỉ có hai người từng nghe đến Arashi. Vào năm 2013, sau 5 năm tôi phát hiện ra mình thích nhóm nhạc này và đã đến sân bay Narita với thư chấp nhận nhập học từ trường Quốc tế giáo dục đại cương thuộc Đại học Waseda và vài từ tiếng Nhật bập bõm.
Jan Lee đang cổ vũ đội tuyển bóng cháy của trường Waseda trong một trận thi đấu với trường Keio. Ảnh: Straits Times. |
Năm đầu tiên của tôi ở Nhật Bản không giống như những gì đã hình dung. Trong tháng đầu tiên, tôi đã cố gắng để mở tài khoản ngân hàng nhưng bị từ chối. Có phải là lỗi của tôi? Tôi không nói tiếng Nhật đủ tốt. Tôi đã nhờ một người bạn thành thạo tiếng Nhật giúp đỡ. Nhưng tôi vẫn chỉ nhận được câu trả lời không cho dù người bạn đó đã cố gắng giúp mình.
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thường xuyên lo lắng. Mặc dù cũng thú vị, nhưng trường học mang đến những thách thức riêng. So với môi trường tại Học viện Hwa Chong (Singapore) mà tôi từng học, cuộc sống đại học tương đối không bị áp lực. Môi trường đại học thoải mái, khối lượng công việc vừa phải. Chương trình giáo dục đại cương cho phép tôi hiểu căn bản của một loạt môn học như quan hệ quốc tế, lịch sử, pháp luật và văn học.
Thẻ tập thể dục với giá hợp lý trong trường đã khiến tôi bắt đầu tập thể dục. Những món ăn ngon và đa dạng quanh trường luôn sẵn sàng giải quyết cơn đói của tôi vào các buổi trưa. Ngoài ra, tôi còn có rất nhiều lựa chọn trong nhiều vấn đề khác của du học sinh.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang cố gắng để toàn cầu hóa và kết nối xã hội hướng nội truyền thống với phần còn lại của thế giới. Và các trường đại học Nhật Bản đi đầu trong nỗ lực này với nhiều chương trình trao đổi sinh viên, học hè và thực tập nước ngoài. Năm thứ ba, tôi theo học tại Đại học Peking (Trung Quốc) với bằng kép về quan hệ quốc tế.
Bên cạnh sự phấn khích và những cơ hội, tôi vẫn phải vật lộn, đặc biệt là trong việc kết bạn. Mặc dù khóa học của tôi dạy bằng tiếng Anh và hầu hết sinh viên đều thông thạo ngôn ngữ này, nhưng nhiều bạn Nhật vẫn thích đi chơi với những người nói tốt tiếng Nhật. Thay vào đó, tôi kết bạn với những bạn nước ngoài, những người cũng đang vật lộn để thích nghi với cuộc sống ở Nhật.
Chúng tôi càng thân thiết hơn khi chia sẻ khó khăn trong việc không hiểu sự khác nhau của “ga” và “ha” trong tiếng Nhật. Cuối cùng, qua vô số lý thuyết và các cuộc tranh luận về ngữ pháp, từ vựng, tất cả chúng tôi đã tiến bộ, đủ để trò chuyện một cách tự tin.
Tôi sắp bắt đầu vào năm thứ tư và cũng là năm cuối cùng ở Waseda. Có lẽ năm thứ nhất rất khó khăn, nhưng thời gian của tôi ở Nhật Bản là một sự “phi thường”. Toàn bộ kinh nghiệm có được khi du học là một đặc quyền không thể so sánh được. Đó là cơ hội cho tôi học cách xây dựng cuộc sống của bản thân.
Nhật Bản là nơi tôi học được cách tự lập. Tôi tự quản lý tài chính để xem xét nên mua gì nấu ăn tối hay so sánh và lựa chọn các kế hoạch bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ mình thuê.
Tôi đã khám phá thành phố tuyệt vời này, nơi tôi luôn luôn muốn ngắm nhìn. Một nơi mà cái cũ giao thoa với cái mới, văn hóa Nhật bản phong phú, kiến trúc mang tính biểu tượng và phong cảnh nghệ thuật luôn mang đến cho tôi cái gì đó để mong chờ. Tôi tự hào là mình đã học được cách tận hưởng Tokyo, thậm chí như một người dân địa phương. Bởi vì không có gì còn quá khó khăn khi bạn có thể biến một thành phố mới thành thế giới của mình.
Quỳnh Linh
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét