Tôi là tác giả bài viết “” đăng trên VnExpress. Có nhiều bình luận, thắc mắc, tôi xin được viết tiếp câu chuyện cuộc đời để độc giả hiểu, bạn trẻ cân nhắc khi chọn nghề.
Cách đây 15 năm, cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa trong tay xin việc thật khó vì tôi không có “mối quan hệ” và gia đình quá nghèo. Sau khi xin việc khắp nơi, tôi xin được công việc làm bác sĩ tại một bệnh viện tâm thần ở một tỉnh nghèo. Tôi hân hoan vui mừng khi có việc làm. Có thể nói những năm tháng đầu đời đi làm bác sĩ ở đây là quãng đời đẹp nhất của tôi, gắn bó nhiều kỷ niệm vui buồn.
Chứng kiến những mảnh đời quá bất hạnh, thấy mình rất may mắn khi được học hành trở thành bác sĩ, còn có bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Tôi nguyện cố gắng hết mình, ra sức học tập để giúp đỡ bệnh nhân. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự quyến khích giúp đỡ nhiệt tình của ban giám đốc, các đồng nghiệp trong bệnh viện nên chuyên môn tôi rất vững. Tôi được lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp quý mến giao nhiều trọng trách trong khám chữa bệnh.
Nghề bác sĩ là mơ ước của nhiều người, nhưng bác sĩ tâm thần lại là nghề nguy hiểm, giỏi tâm lý và chịu đựng trong thế giới người điên. Điều trị cho bệnh nhân không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là tình thương. Lúc đầu đi làm tôi rất sợ đến bệnh viện, nhiều lần tôi bị bệnh nhân chửi bới, đe dọa và đánh đập; nặng nhất là chấn thương đầu, gãy 4 răng cửa, chảy máu mũi phải nằm bệnh viện 2 tuần để điều trị và theo dõi có bị chấn thương sọ não hay không.
Có khi đến giờ nghỉ trưa, tôi “được” bệnh nhân tâm thần xinh đẹp bị thất tình đứng phía sau ôm hôn, sờ soạng và cắn vào gáy rồi nói “chồng ơi về nhà ăn cơm đi, ở đây em buồn lắm”. Và còn rất nhiều chuyện nguy hiểm, bi hài khác nữa mà tất cả nhân viên trong bệnh viện phải chịu đựng.
Gắn bó với người tâm thần hàng ngày, thấy những chuyện xảy ra như thế là bình thường, rồi thấy quen, chúng tôi cảm thấy thương họ hơn. Nếu tôi cũng rời xa nơi này thì sẽ có những bác sĩ nào dám gắn bó khi mà số lượng bác sĩ ra đi ngày càng nhiều hơn bác sĩ mới vào làm.
Gắn bó với thế giới người điên 15 năm nay, tôi gần như mắc bệnh nghề nghiệp vì luôn căng thẳng thần kinh do hàng ngày tiếp xúc với họ, phải trả lời những câu hỏi vô nghĩa. Có khi tôi bị nhiễm trạng thái nói lung tung, than phiền, kể lể, có khi còn thẫn thờ, mất hồn như bệnh nhân. Nhiều lần tôi còn phải “giả điên”, “giả làm người yêu” để “làm bạn”, “tâm sự” với bệnh nhân, phải đặt mình vào tâm trí của người bệnh mới hiểu được bệnh sử, tâm lý mà điều trị cho hiệu quả.
Tuy làm việc nguy hiểm, vất vả như vậy nhưng chúng tôi được đãi ngộ rất thấp và không được sự kính trọng của xã hội, có khi còn bị miệt thị. Khi đi học thêm chứng chỉ, nghiệp vụ thì nhiều cán bộ y tế không phải ngành tâm thần nhìn chúng tôi với ánh mắt dị nghị, cười cợt. Bạn bè hỏi làm nghề gì thì tôi nói làm bác sĩ đa khoa và chuyên về điều trị đau đầu, mất ngủ, stress. Khi bạn bè biết tôi làm ở bệnh viện tâm thần, hàng ngày phải tiếp xúc với những bệnh nhân bất thường về tâm lý, họ cũng ngại gặp, tiếp xúc với tôi.
Lúc đầu mới làm quen với cô gái nào tôi cũng nói như vậy, đến khi biết tôi là bác sĩ tâm thần thì cô nào cũng e dè, ái ngại, lại thêm gia cảnh nghèo khó phải ở trọ, có đông anh chị em ở quê nên không có phụ nữ nào muốn lấy tôi làm chồng. Ngay cả những bác sĩ nữ y học dự phòng mới về bệnh viện làm việc còn không muốn tìm hiểu tôi huống gì những người ngoài ngành.
Có một kỷ niệm tôi luôn nhớ mãi, lúc đầu có cô gái mới quen tôi tự hào giới thiệu cho bạn bè người thân bạn trai mình là bác sĩ, dự định năm tới kết hôn. Khi biết tôi là bác sĩ tâm thần, cô đến bệnh viện chơi để tìm hiểu công việc của chồng tương lai. Chứng kiến công việc tôi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần hàng ngày làm cô lo lắng, không biết sau này có ảnh hưởng đến vợ con không. Bệnh viện thì xa trung tâm, cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu, toàn gặp những người điên, có những phòng giam bệnh nhân nặng như nhà tù làm cô ái ngại, không giám đến bệnh viện lần nữa và xin được chia tay với tôi.
Có nhiều độc giả bình luận trên VnExpress rằng bác sĩ giỏi thì không nghèo, làm nhà nước và làm thêm dịch vụ, bệnh viện tư thu nhập rất cao hoặc mở phòng mạch riêng. Nhưng chuyên khoa tâm thần đâu có bệnh viện tư mà làm. Tôi từng hợp tác với đồng nghiệp mở phòng mạch vài tháng rồi bỏ do thua lỗ, không có bệnh nhân. Đa số bệnh nhân tâm thần đều người nghèo nên không có điều kiện để chữa bệnh.
Nhiều gia đình khá giả có con em bị mắc tâm thần nặng đã được chúng tôi điều trị, theo dõi thời gian dài rồi lành bệnh. Nhưng người nhà không xem lành bệnh là do bác sĩ giỏi, tận tâm. Họ nghĩ do đi xem thêm “thầy” và được “thầy” “phán” làm nhiều “việc lạ” tốn cả chục, có khi hàng trăm triệu nên con em họ mới lành bệnh.
Không biết tôi còn giữ mình được bao lâu nữa, có còn gắn bó lâu dài với “thế giới người điên” nữa hay không. Chỉ có những người can đảm, trái tim nhân hậu mới làm được công việc đầy tình thương, trách nhiệm này. Cho đến nay, đồng nghiệp và tôi đã làm được những điều đó.
Một bác sĩ tâm thần nghèo
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét