Nguyễn Thị Huệ, cựu học sinh chuyên Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), là một trong gần 500 học sinh, sinh viên được nhận học bổng Vallet vào ngày 28/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cô gái đến từ xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) chia sẻ, nhà ít ruộng, bố em phải đi gánh sỏi thuê ở bến thuyền, mẹ đi gom phế liệu để có thêm thu nhập nuôi em và một em gái 5 tuổi ăn học. Vì gia cảnh khó khăn, Huệ quyết tâm học tập. Năm lớp 10, em thi đỗ trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái). Học lớp chuyên Văn nhưng Địa lý mới là môn học Huệ yêu thích nhất.
Học hết lớp 10, từ chỗ rất hứng thú với các hành tinh trong hệ mặt trời, Huệ bắt đầu yêu và dành thời gian cho môn Địa. Em đến gặp cô Đào Việt Hà phụ trách đội tuyển Địa để xin theo học và may mắn được đồng ý. Lớp 11, khi đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Địa lý, Huệ tỏ ra thất vọng.
Em đã khóc rất nhiều vì nghĩ giải ba không đủ để được đi thi quốc gia. Tuy nhiên, kết quả trong kỳ thi đó của tất cả thí sinh đều không cao nên điểm của em vừa đủ để ước muốn được thi quốc gia thành hiện thực. Sau đó, Huệ giành giải khuyến khích và trở thành học sinh lớp 11 duy nhất của tỉnh đạt giải.
Đến lớp 12, Huệ tiếp tục đạt giải nhì môn Địa lý cấp quốc gia và đủ điều kiện tuyển thẳng vào nhiều trường đại học có tiếng trên cả nước. Tuy nhiên, em vẫn tập trung ôn luyện để thi THPT quốc gia. Với tổng điểm 31,75, trong đó 9 điểm Văn, 8,75 điểm Sử và 9,5 điểm Địa, cộng 3 điểm đạt giải nhì Địa lý quốc gia và 1,5 điểm ưu tiên khu vực, Huệ trở thành thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Nguyễn Thị Huệ đang là thủ khoa khối C Học viện Cảnh sát Nhân dân với số điểm 31,75. |
Đạt được kết quả cao nhưng Huệ không đi học thêm, trừ thời gian huấn luyện đội tuyển. Em cho biết phương pháp học tập là lắng nghe trên lớp, chịu khó làm đầy đủ bài tập về nhà, hỏi thầy cô hoặc bạn bè mỗi khi có vướng mắc và xin tài liệu từ các anh chị khóa trên để học thêm. Bên cạnh đó, học những môn khối C không phải chỉ đọc sách mà ghi nhớ được. Em phải thường xuyên sơ đồ hóa hệ thống kiến thức đã học để có thể nhớ lâu và hiểu sâu.
Chia sẻ lý do chọn Học viện Cảnh sát Nhân dân, Huệ thật thà nói muốn đỡ đần bố mẹ bởi khi học ngôi trường này, gia đình sẽ không phải lo lắng học phí hay tiền thuê trọ. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn ở miền núi có hoàn cảnh gia đình khó khăn như em. Lý do quan trọng hơn, em muốn hiện thực hóa ước mơ ấp ủ từ nhỏ là được khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bảo vệ tổ quốc.
"Khi xem phim Chạm tay vào nỗi nhớ trên truyền hình, thấy các anh chị sinh viên cảnh sát rèn luyện, học tập và được làm quen với điều tra phá án, em càng thêm yêu quý nghề này, mong muốn được như các anh chị trong phim", Huệ nói.
Đánh giá về học trò, cô Đào Việt Hà phụ trách đội tuyển Địa của trường chuyên nói: “Huệ rất có quyết tâm. Mặc dù không được chọn vào đội tuyển Địa nhưng khi theo học, em bắt nhịp rất nhanh, vượt qua nhiều bạn. Gia đình đặc biệt khó khăn nhưng em chưa bao giờ tự ti mà luôn lạc quan và cố gắng học tập”.
Cùng con tham dự lễ trao học bổng ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Sỹ, chia sẻ: “Tôi chỉ học đến lớp 6, còn mẹ cháu chỉ học hết lớp 3 nên không giúp gì được cho các con trong việc học. Không có bằng cấp khiến cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng cho con ăn học tử tế để không phải sống cuộc sống nghèo khó như bố mẹ”.
Cô gái phố núi chia sẻ trong những năm sắp tới sẽ chuyên tâm học hành để có thể trở thành một nữ cảnh sát giỏi nghiệp vụ.
Thanh Tâm
Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
0 nhận xét
Đăng nhận xét