(Chuyên mục giáo dục)Nguyên Phó chủ tịch nước chỉ ra hạn chế của trường Sư phạm

No Comments

Ngày 21/12, tại hội thảo 70 năm Sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nộinguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bình đã chỉ ra một số hạn chế của ngành giáo dục và việc xây dựng đội ngũ nhà giáo. "Đây là những điều tôi luôn trăn trở", bà Bình nói. 

nguyen-pho-chu-tich-nuoc-chi-ra-han-che-cua-truong-su-pham

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: An An.

Hạn chế đầu tiên, được nguyên Phó chủ tịch nước chỉ ra là trường Sư phạm còn nặng đào tạo về dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo các nhà giáo dục. Đáng ra Tâm lý, Giáo dục học phải là các khoa môn quan trọng nhất, là thế mạnh của trường Sư phạm thì hiện nay chưa được đầu tư tương xứng. Trong cơ cấu đội ngũ giảng viên sư phạm, nhất là trường sư phạm trọng điểm, phải có chuyên gia đầu ngành về Tâm lý học, Giáo dục học. 

Hạn chế thứ hai của ngành Sư phạm là chưa lôi kéo, gắn kết được các trường phổ thông, trong khi đây là công việc quan trọng để trường làm tốt nhiệm vụ đào tạo. "Môi trường sư phạm phải là trung tâm nghiệp vụ của các trường phổ thông trên địa bàn. Các trường sư phạm phải đóng vai trò tư vấn cho nhà trường, nhà giáo phổ thông. Mặt khác, phải lôi kéo cho được các nhà giáo phổ thông tham gia hoạt động đào tạo và nghiên cứu để đội ngũ đào tạo nhà giáo nắm bắt được yêu cầu của thực tế hiện nay", bà Bình nói.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, công tác bồi dưỡng giáo viên cũng là vấn đề tồn tại khi hiện nay được làm theo kiểu hình thức. Trong khi đó, kiến thức chuyên môn khoa học luôn có cái mới, yêu cầu của văn hóa xã hội, đất nước cũng đổi thay. "Các giáo viên phải được tập dần những vấn đề này", bà Bình nhấn mạnh.

Đánh giá cạnh tranh về phát triển hiện nay thực chất là cạnh tranh về chất lượng con người và sự nghiệp giáo dục; thành công của giáo dục là nhân tố quyết định dẫn tới thành công của nhiều lĩnh vực khác, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định ngành giáo dục đặc biệt là ngành Sư phạm có vai trò và trách nhiệm "lớn hơn bao giờ hết".

Tuy vậy, nhà trường hiện chỉ thực hiện được sứ mạng dạy làm người, chưa chuyển hóa được giáo dục thành tự giáo dục, để trẻ tự làm cho mình phát triển một cách tích cực nhất, đúng tiềm năng của bản thân. Muốn vậy người thầy phải khơi dậy được sự phát triển hoàn toàn tự thân ở mỗi đứa trẻ. Công việc đó vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật, đòi hỏi nhà giáo phải giàu lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề, hiểu biết về đời sống văn hóa và có trách nhiệm xã hội.

"Trường Sư phạm do đó phải đào tạo ra được những thầy cô hiểu biết sâu sắc về con người vì nghề dạy học dựa trên nền tảng vững chắc về trí thức, văn hóa, xã hội của đất nước và thế giới", nguyên Phó chủ tịch nước nói.

Ngày 10/10/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 146, trong có điều 9 quy định thành lập ngành học sư phạm với mục đích đào tạo giáo viên cho các bậc học của nền giáo dục quốc dân. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ngành sư phạm đã được Nhà nước chính thức công nhận là một ngành đào tạo giáo viên chuyên nghiệp.

Quỳnh Trang

Chuyên trang mang đến những thông tin giáo dục nóng nhất tại Việt Nam. Chúc các bạn một ngày tốt lành!

0 nhận xét

Đăng nhận xét